Giải tỏa ùn tắc tại các nút giao bằng hầm đường bộ: Cần nhưng chưa đủ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, chính các hầm chui đang chịu áp lực lớn, bị hạn chế tác dụng do thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng, tổ chức giao thông chưa hiệu quả.

Hầm chui qua nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Phạm Hùng
Hầm chui qua nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Phạm Hùng

Dù đã có hầm chui, các nút giao: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Lê Văn Lương - Vành đai 3; Trần Duy Hưng - Vành đai 3 vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT). Đã có ý kiến nghi ngờ về tính hợp lý của các hầm chui này, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, không thể trông mong một công trình giao thông đơn lẻ sẽ giải quyết hết áp lực của cả một khu vực.

Tác dụng rõ rệt

Sau khi hầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 được đưa vào sử dụng, điểm đen UTGT tại đây đã được giải tỏa. Với ba mức lưu thông: Trên cao - đi bằng - đi ngầm, đây được xem là nút giao hiện đại, giải quyết được ùn tắc tại chỗ.

Tương tự, các hầm chui: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Trần Duy Hưng - Vành đai 3 đã phát huy vai trò vô cùng tích cực, quan trọng đối với các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Nếu không có các hầm chui dọc tuyến Vành đai 3, UTGT tại cửa ngõ hướng ra khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) sẽ còn trầm trọng hơn nhiều. Trong thời gian qua, các hầm chui đã phát huy tác dụng rõ rệt của nó”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Phú Lương, quận Hà Đông) chia sẻ: “Từ Hà Đông vào nội thành tôi có ba lựa chọn, đi theo đường Đại lộ Thăng Long, qua hầm chui Trung Hòa; hoặc đi Tố Hữu, qua hầm Lê Văn Lương; hoặc đi Nguyễn Trãi qua hầm Khuất Duy Tiến. UTGT thường xảy ra ở các khu vực lân cận hầm chui, chứ hầm thì hiếm khi ùn tắc”.

Tương tự, chị Trương Thị Hằng (xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì) cho biết: “Trừ khi mưa to bất chợt, nhiều người đi xe máy dừng trong hầm để trú hoặc mặc áo mưa, còn lại hầm chui Thanh Xuân hầu như không bao giờ ùn tắc. Tắc nhất là hai đầu hầm, khi các phương tiện trở lại làn đường đi bằng”.

Đối với hầm chui Lê Văn Lương và Trung Hòa, nhiều người dân cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng, bản thân hầm chui đã giúp việc lưu thông qua nút thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng UTGT tại hai đầu hầm lại diễn ra khá thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm, có lúc phương tiện chôn chân kéo dài vào đến tận trong hầm.

TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân phân tích, hình thành các nút giao khác mức là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. “Hầm chui Lê Văn Lương cũng như một số hầm đang khai thác dọc tuyến Vành đai 3 có vai trò rất quan trọng, cần thiết cho giao thông khu vực. Nhưng yêu cầu nó phải giải quyết hết UTGT là quá khiên cưỡng và thiếu thực tế. Nếu không có các hầm chui này, UTGT tại cửa ngõ phía Tây, Tây Nam Thủ đô sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều”.

 

Có thể thấy rõ Hà Nội đã rất nỗ lực đầu tư cho hạ tầng. Các nút giao khác mức với hầm chui, đường trên cao, cầu vượt đã mang đến hiệu quả rất lớn góp phần hạn chế UTGT. Tuy nhiên, công tác tổ chức giao thông còn bộc lộ bất cập, ý thức của nhiều người dân còn kém, khiến cho UTGT vẫn diễn biến phức tạp. Các hầm chui: Thanh Xuân, Lê Văn Lương, Trung Hòa không có gì sai, mà chỉ bị hạn chế hiệu quả bởi những bất cập nêu trên mà thôi.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính các hầm chui đang chịu áp lực lớn, bị hạn chế tác dụng do thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng, tổ chức giao thông chưa hiệu quả. Thêm vào đó, lượng phương tiện cá nhân quá lớn và cả ý thức tham giao thông yếu kém của bộ phận không nhỏ người dân. Đơn cử như hầm chui Lê Văn Lương, ngay khi chưa được đưa vào sử dụng đã có nhiều dự báo lo ngại về những bất cập, thiếu đồng bộ với mạng lưới giao thông xung quanh. Hiện tại, pha đèn tín hiệu tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám đã bị tăng thêm khoảng 30% thời gian chờ, trong khi tốc độ xe qua nút tăng cao hơn nhờ hầm chui, dẫn đến ùn tắc nhiều hơn trước khi đưa hầm vào sử dụng.

Thực tế, vào giờ cao điểm sáng - chiều, hai hướng đi này cũng ùn ứ phương tiện. Theo lý giải của lực lượng chức năng, việc tăng thời gian chờ đèn tín hiệu tại nút để giảm bớt lưu lượng cấp tập đổ dồn về cầu vượt đường Láng - một điểm nghẽn cố hữu khác trên tuyến. TS Đặng Minh Tân cho rằng: “Cần phải xem xét lại tổ chức giao thông và công tác xử lý vi phạm trên toàn tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương”.

Nút giao đường hầm và cầu vượt nhìn từ trên cao.
Nút giao đường hầm và cầu vượt nhìn từ trên cao.

Tận dụng tối đa nguồn lực

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Kết cấu hạ tầng là nguồn lực chính của giao thông. Phải có phương án tổ chức giao thông phù hợp, giữ gìn kỷ cương, luật pháp nghiêm minh, nâng cao ý thức người tham gia giao thông mới có thể tận dụng được tối đa nguồn lực hạ tầng”.

Giao thông Hà Nội hiện nay có một số tồn tại lớn mà nếu không giải quyết được, dù có xây dựng thêm bao nhiêu cầu, hầm, đường bộ cũng không giải quyết ổn thỏa. Một trong số đó là vấn nạn vi phạm luật giao thông diễn ra tràn lan. Ví như trên tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương, tình trạng xe dừng đỗ sai quy định, đi ngược chiều gây cản trở giao thông diễn ra rất phổ biến, nhất là đoạn đầu phố Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thúy…

Mặt khác, các tuyến đường ngang kết nối với Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… đa phần còn nhỏ hẹp, lưu thông khó khăn, khiến áp lực dồn lên tuyến chính thêm nặng nề. Như phố Lương Thế Vinh, Trung Văn thường xuyên ùn tắc lan dài ra đến Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, cầu vượt đường Láng mỗi giờ cao điểm lại tắc cứng khiến cho một phần lưu lượng trên đường Lê Văn Lương không giải tỏa được.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, dọc đường Nguyễn Trãi hiện có từ 25 - 29 điểm giao cắt trên mỗi hướng lưu thông. Dù đã phân tách làn riêng giữa ô tô với xe máy, xe buýt nhưng hiện tượng đi lấn làn vẫn diễn ra rất phổ biến, gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng. Chưa kể đến hiện tượng đi ngược chiều gây UTGT, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn tại Ngã Tư Sở, đầu phố Cự Lộc, Kim Giang…

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ, gấp rút điều chỉnh tổ chức giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ phía Tây và Tây Nam TP, kết hợp với xử phạt nghiêm vi phạm để khai thác tối đa lợi thế hạ tầng hiện đại, giảm thiểu UTGT.

TS Đặng Minh Tân lấy ví dụ: “Như khu vực tiếp cận hầm chui Thanh Xuân, sau khi đường Vũ Trọng Phụng được đưa vào khai thác, có đủ điều kiện để phân làn theo kiểu ô bàn cờ. Nếu buộc dòng phương tiện chỉ đi vào Nguyễn Tuân, ra Vũ Trọng Phụng sẽ giảm UTGT hơn nữa”.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thêm nhiều hầm chui dọc tuyến Vành đai 3, kết nối tới các tuyến Dương Đình Nghệ, Hoàng Quốc Việt… để kéo giãn lưu lượng từ nội thành ra phía Tây, Tây Nam và ngược lại. Trước mắt, trong thời gian chưa đầu tư được đồng bộ hạ tầng, cần dọn sạch hành lang giao thông trên các tuyến có hầm chui để đảm bảo lưu thông, xử phạt nghiêm vi phạm để giữ gìn trật tự, ATGT.