Giảm 2% thuế VAT: Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thì việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% là cần thiết. Đây là giải pháp khoan sức dân để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

Chính sách tác động đa chiều

Bộ Tài chính vừa có công văn số 11239/BTC-CST gửi các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% như hiện nay để áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Giảm thuế VAT giúp kích cầu tiêu dùng.
Giảm thuế VAT giúp kích cầu tiêu dùng.

Thời gian giảm thuế sẽ được tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đánh giá cao đề xuất trên của Bộ Tài chính, Chuyên gia tư vấn thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, đề xuất này của Bộ tài chính đã thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm và kịp thời. Theo ông Nguyễn Văn Được, qua nhiều năm thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% đã thấy rất rõ tác động tích cực và đa chiều của chính sách này đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế và đời sống của người dân vẫn còn khó khăn thì việc giảm thuế VAT 2% đóng vai trò quan trọng và then chốt, nó không chỉ đơn thuần là hỗ trờ người dân, doanh nghiệp về tài chính mà còn thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ và “khoan sức dân” của Chính phủ và Nhà nước.

Cũng đánh giá cao đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT của Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) phân tích, bản chất thuế VAT là loại thế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế VAT 2% thì về mặt lý thuyết thì giá sẽ giảm tương ứng 2%, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng được hưởng lợi mua được với hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn. Như vậy, tác động đầu tiên của chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ giúp cho người dân bớt được gánh nặng và khó khăn, mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền tức là cầu hàng hóa, dịch vụ tăng.

Chiều ngược lại, khi người dân mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn sẽ giúp cho doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn từ đó giải phóng được hàng tồn kho, cải thiện vòng quay vốn và tăng tính thanh khoản cũng như gia tăng sản lượng sản xuất, giải quyết được vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Quá trình này giúp cung tăng lên làm cho nền kinh tế được lưu thông, sớm được phục hồi và tăng trưởng.

Giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu Ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán Ngân sách Nhà nước, giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế. Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia tư vấn thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong năm 2024 sẽ không có ảnh hưởng đến quá trình thu ngân sách năm 2023, bởi lẽ các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành năm 2023 đã được lập kế hoạch và kiểm soát trong dự toán thu, chi ngân sách đã được Quốc hội duyệt năm 2023. Khi giảm thuế VAT 2% trong năm 2024 sẽ làm giảm thu Ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về cơ bản ngân sách năm 2024 vẫn có thể tăng do quy mô nền kinh tế được tăng nên nhờ các tín hiệu phục hồi và phát triển của doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả là chính sách “khoan sức dân” sẽ đem lại sự tăng trưởng nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống của người dân từ đó sẽ “nuôi dưỡng nguồn thu” trong trung và dài hạn.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng, đồn nghĩa đời sống của người dân được cải thiện, doanh nghiệp được phát triển. Khi đó quy mô của  nền kinh tế lại được tăng lên, từ đó giúp Ngân sách Nhà nước không chỉ ổn định nguồn thu đối với quy mô của nền kinh tế hiện hữu mà còn có thể gia tăng ngân sách từ việc thu thuế. Hay nói cách khác Ngân sách Nhà nước cũng được hưởng lợi từ chính sách này trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách Giảm thuế VAT 2% và không ảnh hưởng đến tình hình thu Ngân sách Nhà nước, Bộ tài chính và Tổng cục Thuế cần tiếp tục rà soát, đôn đốc và quyết liệu thu nợ đọng thuế. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra trống gian lận đối với các hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro và gian lận đồng thời tiếp tục thực hiện đa biện pháp trong quản lý, thu, nộp thuế của thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số đang có tốc độ tăng trưởng và phát triển không ngừng lớn mạnh từ đó giúp phần nào cải thiện công tác thu ngân sách năm 2023 và 2024.