Bài toán đặt ra hiện nay là cần chủ động sản xuất, đảm bảo nguồn cung lâu dài cho ngành sản xuất TĂCN.
Nói về nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho biết, hiện nay cả nước có 269 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp, trong đó DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là 90 cơ sở; năng lực sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước còn nhiều hạn chế.
Diện tích gieo trồng ngũ cốc - nguồn thức ăn tinh chủ yếu cho chăn nuôi lợn, gia cầm lại không nhiều và năng suất thấp. Diện tích trồng ngô làm nguyên liệu sản xuất TĂCN của Việt Nam đến nay chỉ khoảng 942.00ha và đang có xu hướng giảm dần. Không chỉ có diện tích hạn chế mà ngô của Việt Nam cũng rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, bởi các nước như: Mỹ, Brazil, Irasel... có năng suất trồng ngô cao gấp 2 - 4 lần so với Việt Nam. Trong khi đó, các địa phương chưa tận dụng hết nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chế biến làm TĂCN…
Ngành sản xuất TĂCN trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá TĂCN đã có 4 lần điều chỉnh tăng. Để người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng do giá TĂCN tăng cao,
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, Cục đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống 2%; lúa mì từ 3% xuống 0% và ưu đãi thuế cho những DN sản xuất ở vùng khó khăn. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng ngô, sắn… Đồng thời tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất TĂCN với cơ sở kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo và phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu hiện nay.
Chia sẻ thêm về giải pháp căn cơ lâu dài cho ngành sản xuất TĂCN, ông Tống Xuân Chinh cho biết, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề TĂCN theo từng vùng gắn với các cơ sở chăn nuôi. Trong đó, chuỗi sản xuất từ giống, TĂCN, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại. Mặt khác, các địa phương khi xây dựng nhà máy chế biến TĂCN cần gắn với vùng chăn nuôi cũng như công nghiệp chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về logistics.