Kinhtedothi - Đó là đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai khi trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang Quốc hội. Theo bà Mai, việc loại bớt chi phí để tính thuế sẽ giúp cho DN giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Bà Trương Thị Mai
|
Theo như bà nói, chúng ta cần tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đối với các mặt hàng rượu bia, thuốc lá?
- Đúng vậy, đứng ở góc độ xã hội, tôi nghĩ rằng rượu bia, thuốc lá là những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Vì vậy, nếu chúng ta dùng giải pháp đánh thuế cao cũng là giải pháp tốt để tác động vào tài chính, làm cho thế hệ trẻ không tiếp cận quá sớm với những mặt hàng này vì không phù hợp với tiêu dùng. Như vậy cũng góp phần giảm tác hại của rượu bia, thuốc lá với thế hệ trẻ.
Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được trình rồi và chúng ta đang nghiên cứu tiếp tục trình Quốc hội Luật Chống lạm dụng rượu bia. Đồng hành với hai luật này, chắc chắc luật thuế sẽ rất quan trọng, nhất là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi hai luật kia mình tác động mạnh tới xã hội như khuyến nghị người dân giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá nhưng nếu luật thuế không mạnh thì sẽ không tạo được sự đồng bộ trong chính sách và không tác động toàn diện lên vấn đề mà mình đang mong muốn.
Ngoài thuế là giải pháp quan trọng, còn nhiều giải pháp khác như các chế tài xử phạt. Do vậy các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường thanh tra kiểm tra và phải vận động tuyên truyền trong xã hội để nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật của người dân.
Có ý kiến cho rằng Nhà nước nên loại bỏ các chính sách xã hội ra ngoài chính sách thuế để gỡ khó cho DN. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay trong chi phí hợp lý để tính thuế cho DN, chúng ta vẫn còn đưa một số chi phí DN đóng góp về xã hội như giáo dục, y tế.
Tôi nghĩ rằng cần phải có lộ trình khẩn trương hơn để loại bỏ toàn bộ chính sách xã hội ra ngoài chi phí hợp lý của DN. Phải để cho DN hạch toán công khai, minh bạch về chi phí hợp lý giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, còn nếu đưa vào quá nhiều chi phí thì giá thành đội lên, cạnh tranh DN thấp đi.
Chúng ta phải đi theo đúng xu hướng của thế giới, chi phí nào đi thẳng vào sản phẩm thì tính thuế, cái gì không tạo ra giá thành sản phẩm thì nên loại ra. DN sau khi làm ăn có lãi sẽ sử dụng phần lợi nhuận đó đóng góp cho xã hội. Như vậy là rất tốt.
Còn nếu bắt DN đóng góp mà thua lỗ, sản phẩm không cạnh tranh được thì chắc chắn không thể khuyến khích được và hoàn toàn không phù hợp với kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn bà!