Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện: Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hiệu quả

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 279/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm góp phần bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành tại trạm biến áp Châu Long. Ảnh: Thanh Hải
Triển khai đồng bộ
Tại Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu bảo đảm ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng. Kế hoạch này được triển khai phù hợp với xu hướng phát triển của ngành năng lượng, ngành điện và quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, TP, đảm bảo tối ưu mọi nguồn lực xã hội, hiệu quả và lợi ích của khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực trong chuỗi quá trình từ sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện và sử dụng điện.

Cùng với đó, giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện TP Hà Nội, góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư trong xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu Chương trình sẽ góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia so với dự báo nhu cầu phụ tải điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 300 MW vào năm 2020, 1.000 MW vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030.

Đồng thời, Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình quốc gia về DSM) cũng nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý nhu cầu điện và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh. Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND nhằm thực hiện Chương trình DSM năm 2020.

Trong đó, nhiều giải pháp quan trọng đã được TP đưa ra như: Xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình tuyên truyền, tăng cường giáo dục cộng đồng, giáo dục trong các cơ sở đào tạo về nội dung, lợi ích của việc thực hiện Chương trình quốc gia về DSM trên địa bàn TP. Sử dụng đồng bộ các phương tiện thông tin, truyền thông phù hợp để tăng cường nhận thức cho người dân, khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực đối với Chương trình quốc gia về DSM.

Đồng thời, tiếp tục trang bị các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại tại các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện như: Hệ thống hạ tầng đo đếm tiên tiến, công tơ đọc và thu thập số liệu đo đếm từ xa AMR, năng lượng mặt trời áp mái, tích hợp lưu trữ năng lượng, thông tin để tối ưu hóa việc tham gia của khách hàng sử dụng điện trong Chương trình DSM.

Tiếp tục triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử; lập cơ sở dữ liệu đo đếm hằng ngày của nhiều loại hình khách hàng từ dân dụng đến công nghiệp, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phân tích, nghiên cứu phụ tải, dự báo phụ tải cũng như việc quản lý nhu cầu điện chính xác và kịp thời.

Tiếp tục khuyến khích sử dụng các công nghệ mới hiệu suất cao và tiết kiệm điển như: Đèn compact – LED, điều hòa công nghệ mới, triển khai đề án công tơ biểu giá điện theo thời gian…

Ngoài ra, xây dựng một số mô hình ứng dụng, tiến hành thí điểm pin năng lượng mặt trời cho một số địa điểm phù hợp với đặc thù, tiềm năng trên địa bàn TP.
Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại điện lực Từ Liêm. Ảnh: Tuấn Anh
Kết quả tích cực bước đầu

Được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình quốc gia về DSM trên địa bàn TP, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1307/KH-SCT nhằm nhanh chóng triển khai các giải pháp thực hiện.

Theo đó, những nội dung quan trọng bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về việc quản lý nhu cầu điện; Phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn TP và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, ứng dụng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trụ sở cơ quan thuộc TP Hà Nội. Xây dựng một số mô hình thí điểm lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại một số nhà ga, điện mặt trời mặt nước trên mặt hồ… nhằm tăng sản lượng điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn TP…

Đến nay, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, một số đề án, mô hình đã được Sở chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng như: Ðề án Nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời trên địa bàn TP Hà Nội. Sở Công Thương Hà Nội cũng đang nghiên cứu xây dựng quy định bắt buộc việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan, ban, ngành, trường học, trụ sở UBND các cấp, công an các phường, đồn công an và các trạm y tế để khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn TP…