70 năm giải phóng Thủ đô

Giảm dần độc quyền, bình đẳng trong mua - bán điện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, chiều ngày 23/10, các đại biểu cho rằng, còn rất nhiều nội dung quan trọng khác mà cử tri mong đợi chưa thấy đề cập...

Xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện

Tình trạng độc quyền về sản xuất, cung cấp điện đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy rất cần sự công khai, minh bạch trong giá điện. Giá điện điều chỉnh theo 3 thành phần là phát điện, đầu tư lưới điện và vận hành; phải điều chỉnh giá sau khi có kiểm toán được công bố. ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: Giá điện phải phản ánh đúng cơ chế thị trường trong kinh doanh điện. Cần tính đúng, tính đủ giá điện bảo đảm khách quan, chính xác; không đưa điện thuộc diện công ích, chính sách vào cơ cấu giá điện bình quân; không thực hiện bù chéo giữa điện sản xuất và điện sinh hoạt, không thực hiện bù chéo giá điện sinh hoạt ở thành thị và nông thôn.

Giảm dần độc quyền, bình đẳng trong mua - bán điện - Ảnh 1
Giá điện phải phản ánh đúng cơ chế thị trường trong kinh doanh điện.Ảnh: Linh Anh

Tán thành với ý kiến này, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, Luật cần xác định rõ cơ chế thị trường và vai trò, mức độ can thiệp của Nhà nước trong chính sách giá bán điện. Cho dù EVN có quyền xây dựng giá bán lẻ, xin Bộ Công Thương tăng trong phạm vi 5% nhưng tăng giá điện vẫn phải có ý kiến của Thủ tướng. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch chung là đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh, càng kéo dài sự điều tiết của Nhà nước càng bất lợi cho nền kinh tế.

Về các loại phí, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu chỉnh lý không đưa loại phí điều tiết hoạt động điện lực vào trong cách tính giá điện nhưng các ĐB vẫn cho rằng, trong dự thảo Luật quy định rất nhiều các loại giá và phí dẫn đến giá điện bị đẩy lên cao ảnh hưởng đến người dân, và đề nghị hạn chế tối đa các loại phí.

Hai bên mua - bán điện phải bình đẳng

Trở lại sự độc quyền của ngành điện, ĐB Lê Thị Nguyệt phát biểu, trong Luật đề cập đến nhiều quyền của bên bán điện mà chưa đề cập đến quyền của người dùng. ĐB Nguyệt đề xuất dự thảo Luật cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên. Sự bình đẳng này cần được thể hiện trong hợp đồng cung cấp điện.

"Trên thực tế, chúng ta đều biết nếu như người sử dụng điện chậm trả tiền điện hoặc vi phạm pháp luật về điện thì lập tức bị cắt điện hoặc bị xử phạt tiền, còn một số địa phương, nhất là nông thôn mà bị cắt điện thì làm cho họ phải chi phí giá thắp sáng cao hơn, hoặc chưa kể đến những thiết bị, hàng hóa, nhất là hàng hóa đông lạnh bị hỏng thì không được ai đền bù hoặc khi có sự cố về điện, về truyền tải điện, việc sửa chữa, khắc phục của ngành điện đôi khi không được kịp thời" - ĐB Nguyệt dẫn chứng.

Ở góc độ khác nhiều ý kiến đề nghị Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung lần này cần quy định thêm các vấn đề về quy hoạch, phân cấp đầu tư xây dựng nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo và tạo ra cơ chế xin cho. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lưu tâm tới các quy định về việc phát triển thủy điện chưa được đề cập đúng mức trong dự luật. Đặc biệt, những công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay đang phát triển tràn lan, rất khó kiểm soát nhưng dự luật chưa quy định rõ cơ chế ràng buộc, đơn vị quản lý các công trình này trong mấy chục năm tới khi các DN rời bỏ kinh doanh.

Từ sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị, nên đưa nội dung an toàn trong xây dựng thủy điện vào dự thảo Luật. "An toàn, an ninh và môi trường điện lực, do tính chất đặc biệt của hệ thống điện tương lai nên phải có một chương mới trong Luật, trong đó phải quy định các cấp độ an toàn để có phương án xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra, cần có các quy định về cấp độ thảm họa để công bố tình trạng khẩn cấp; an ninh điện lực, đền bù thiệt hại khi sự cố xảy ra" - ĐB Lai kiến nghị.