Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng: Bỏ định kiến là điểm trung chuyển khách

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng khẳng định: “Nếu như trước đây, nhiều du khách đến Hà Nội không biết đi chơi ở đâu và cho rằng Thủ đô chỉ là điểm trung chuyển khách, thì nay, định kiến đó đã được xóa bỏ. Hà Nội hấp dẫn du khách nhờ những sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa”.

 Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng.

Ông nhận định thế nào về sự phát triển ngành kinh tế xanh của Thủ đô năm 2017?
- Năm 2017, ngành du lịch Thủ đô có sự tăng trưởng ấn tượng. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công đó là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đó thể hiện ở những chính sách khích lệ giúp du lịch có điều kiện thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền TP cùng các DN đã tổ chức xúc tiến hiệu quả ở các thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các DN lữ hành đã đồng hành cùng Sở Du lịch Hà Nội xây dựng các sản phẩm đặc thù của Thủ đô; kết nối nhiều điểm đến của Hà Nội với các tỉnh, TP khác trên cả nước cũng như khu vực. Nhờ vậy, rất nhiều sản phẩm du lịch mang tính văn hóa vừa triển khai đã thu hút và tạo ấn tượng với du khách.

Minh chứng này khẳng định Hà Nội đã xóa được định kiến là điểm chung chuyển khách, thưa ông?

- Hiện nay, gần 70 khách sạn từ 3 - 5 sao nói riêng, gần 600 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng nói chung với hơn 21.000 buồng ở Hà Nội đón khách rất tốt với tỷ suất sử dụng khoảng 60 - 80%. Năm 2017, lượng khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội tăng mạnh và khẳng định Thủ đô không chỉ là điểm chung chuyển khách như định kiến trước đây của nhiều người.

Để tiếp tục duy trì tốt mức tăng trưởng khách quốc tế hơn 20% như 2 năm gần đây, ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng đầu tư cho dòng sản phẩm nào, thưa ông?

- Thế mạnh của Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, có lịch sử hơn nghìn năm, cùng hơn 5.000 di sản vật thể và hơn 1.000 di sản phi vật thể, nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hà Nội cần chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh. Chỉ cần liên kết các di tích lịch sử, văn hóa với nhau và với các làng nghề, chúng ta đã có thể xây dựng được rất nhiều sản phẩm với các tour nửa ngày, một ngày hấp dẫn du khách lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn. Đây là điều kiện rất tốt để Hà Nội tạo ra luồng khách muốn trở lại Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Du khách trong nước và quốc tế trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Hạnh
Là DN lữ hành lớn của Thủ đô và cả nước, Hanoitourist đã khai thác tiềm năng này như thế nào, thưa ông?

- Năm 2017, Hanoitourist đã đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Ngày 10/10, Hanoitourist đã tổ chức lễ ra mắt “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối từ một số khách sạn với các điểm du lịch tiêu biểu như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu Quảng trường Ba Đình, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khu vực Hồ Gươm... Các tour này phù hợp với dòng khách lẻ hoặc nhóm nhỏ với nhiều hạng xe đáp ứng đầy đủ các phân khúc khách từ cao cấp đến bình dân. Ngoài ra, sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học” kết nối Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những giá trị truyền thống hiếu học tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng được đông đảo du khách yêu thích. Cùng với đó, Hanoitourist đã chủ động, tích cực cùng Sở Du lịch Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!