Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm độc quyền, tăng minh bạch

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi giá điện chính thức tăng 8,36% (1.864,44 đồng/kWh - chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 20/3, vấn đề độc quyền và tính minh bạch của ngành điện lại được xới xáo khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng mức tăng trên tuy thu về khoảng hơn 20.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đủ bù lỗ cho doanh nghiệp.

 Tăng 8,36% nhưng EVN vẫn "gồng mình chịu lỗ" 1.000 tỷ đồng?
EVN phải chi trả chi phí đầu vào tăng thêm gồm than 7.000 tỷ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá là 3.825 tỷ đồng cùng các khoản khác... với tổng số tiền lên tới 21.000 tỷ đồng. Có nghĩa, tăng 8,36% nhưng EVN vẫn "gồng mình chịu lỗ" 1.000 tỷ đồng? Chưa kể theo đại diện EVN, vẫn còn "treo" 3.000 tỷ đồng năm 2018 chưa phân bổ vào lần tăng giá điện này.
Bởi thế mà Phó Tổng giám đốc EVN phải thốt lên, DN này chỉ là người trung gian thu trả, “thu xong phải đi trả cho đối tác cung cấp than, khí, nhà máy điện, thuế... Câu nói của lãnh đạo EVN có gì đó như EVN đang bị oan khi mỗi lần tăng giá điện đều gặp phải phản ứng của người dân, DN. Có oan không khi cả các chuyên gia lẫn báo giới đã đề nghị cho biết chi tiết hơn về hoạt động của EVN để đối chiếu thực hư cũng như nguyên nhân thực tạo ra các số liệu liên quan đến lãi, lỗ. Căn cứ tăng giá không chỉ dựa vào báo cáo kiểm toán chi phí, giá thành mà quan trọng hơn là sự hợp lý trong đầu tư của EVN. Giá điện được cấu thành bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên là đầu tư của ngành điện. EVN huy động, sử dụng vốn ra sao? Vay lãi suất thế nào? Chưa kể đến, tổn thất điện năng cao có lỗi trong đầu tư, giải pháp kỹ thuật của EVN cũng phải làm rõ.
Theo EVN phân trần, điều chỉnh giá điện trước hết vì sự phát triển của ngành điện, để thu hút đầu tư, thúc đẩy tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa, giá điện phải có tăng, có giảm. Người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận tăng giá nếu như đó là yếu tố khách quan, còn do năng lực quản lý mà bắt người khác phải gánh chịu thì khó chấp nhận. Trong khi nếu là DN thị trường khi thua lỗ thì họ sẽ cắt giảm nhân viên, điều chỉnh bộ máy, thu gọn hoạt động... Biện pháp sau cùng mới là tăng giá sản phẩm.
Thực tế hiện nay, với cơ chế xác định giá điện này, giá điện chỉ có tăng chứ khó giảm. Hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ trên chưa phù hợp, bởi tính độc quyền của ngành điện vẫn còn cao. Do đó, phải đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh EVN còn “ôm đồm”, độc quyền thì cơ chế giám sát, kiểm toán phải tăng cường. Ngoài ra, quy hoạch điện phải phù hợp quy hoạch ngành.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trên thế giới bình quân 1kWh làm ra được 3,3 USD giá trị GDP trong khi đó Việt Nam chỉ làm ra được 1,27 USD. Tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số sản xuất (PPI), dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), làm giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP). Việc giá điện tăng sẽ đồng nghĩa với DN chịu tăng thêm chi phí đầu vào, còn người dân, đặc biệt là người nghèo sẽ bị tổn thương. Họ lo lắng các mặt hàng sẽ theo đó mà tăng vọt cùng giá điện.