Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ |
- 5 năm qua đúng là giai đoạn rất nhiều khó khăn đối với ngành NN&PTNT Hà Nội. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sát sao của TP, sự chủ động, tích cực của các sở ngành, địa phương và các thành phần kinh tế, nông nghiệp - nông thôn - nông dân vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính chung giai đoạn 20216 - 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng bình quân 2,6%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hoá, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho hàng triệu nông dân. Thu nhập bình quân đầu người dân đến đầu năm 2021 đã đạt 55 triệu đồng/năm, cao hơn 6 triệu đồng/năm so với mục tiêu đề ra.
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Hầu hết các hộ dân đã có điện thoại; 100% số xã có internet. Không còn người dân phải sinh sống trong nhà ở dột nát. Toàn TP cũng đã có 13 huyện và 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, và trở thành địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới lớn nhất cả nước.
Thưa ông, điều gì đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn vừa qua cho nông nghiệp – nông thôn – nông dân của Hà Nội?
- Bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và đông đảo thành phần kinh tế - xã hội, thành quả của “tam nông” có được một phần quan trọng đến từ sự quan tâm của TP. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân luôn được Hà Nội xem là lĩnh vực then chốt, trụ đỡ của nền kinh tế.
Vai trò định hướng phát triển của TP là hết sức rõ nét, đặc biệt là trong giai đoạn nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tính riêng từ năm 2016 đến 2020, dù ngân sách đầu tư công còn nhiều khó khăn, nhưng TP vẫn ưu tiên huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là 80.595 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn là 62.459 tỷ đồng.
Vui mừng với những kết quả đạt được, nhưng rõ ràng Hà Nội chưa thể vội hài lòng, bởi thực tế “tam nông” vẫn còn đó nhiều khó khăn, thưa ông?
- Đúng là như vậy. Dù giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất đai của Hà Nội liên tục tăng qua các năm, nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thấp. Nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn. Năng suất lao động nông thôn chưa cao. Bên cạnh đó, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị vẫn đang là một thách thức rất lớn. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi.
Mục tiêu mà Hà Nội đặt ra cho nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong giai đoạn 2021 – 2025 là gì, và giải pháp nào để có thể hiện thực hoá được những điều đó, thưa ông?
- Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5 - 3% trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, 100% số huyện của Hà Nội về đích nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp TP. Hà Nội cũng phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp quan trọng đặt ra là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững.
Bên cạnh tiếp tục quan tâm, đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, chúng tôi kỳ vọng HĐND TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều quyết sách khuyến khích việc khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, không để tư liệu sản xuất này bị bỏ hoang. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đầu tư nghiên cứu và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt ít nhất 70%.
Xin cảm ơn ông!