Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Giai đoạn 2020-2025, ngoài việc tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp 10% trong 4 năm 2021-2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong năm 2020 Chính phủ cũng đã ban hành 8 Nghị định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đòi hỏi Thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai khoa học và đề ra các giải pháp thực hiện kịp thời..." - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định trong tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII chiều nay (12/10).

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII hôm nay (12/10), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà trình bày tham luận về “Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của T.Ư (khóa XII)” nhấn mạnh: Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày  25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)” gắn chặt với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Hà Nội có số đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả nước. Với đặc thù là Thủ đô, đô thị xếp hạng đặc biệt, thực trạng trước sắp xếp có số lượng phòng ban, đơn vị, cấp phó cao hơn so với mặt bằng chung 63 tỉnh/thành, trong khi biên chế được giao còn thiếu để đáp ứng nhiệm vụ. Nhận thức sâu sắc đây là một đòi hỏi khách quan, là chủ trương đúng đắn của Đảng và hết sức cần thiết với thực tiễn Thủ đô, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai bài bản, quyết liệt.
 Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà tham luận tại Đại hội
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, kết quả nổi bật về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, UBND TP đã thành lập Tiểu ban Chỉ đạo để triển khai; ban hành văn bản chỉ đạo, thống nhất 5 nguyên tắc, 5 bước thực hiện, lộ trình chia làm 5 giai đoạn: Giai đoạn 1 sắp xếp cơ quan Văn phòng UBND TP; giai đoạn 2 sắp xếp các sở, ban, ngành; giai đoạn 3 sắp xếp UBND quận, huyện, thị xã; giai đoạn 4 sắp xếp các Ban QLDA đầu tư xây dựng có quy mô lớn; giai đoạn 5 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố. Đến nay, TP hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm số phòng thuộc ở 29% (giảm 65 phòng); giảm 10,4 % đơn vị sự nghiệp (290 đơn vị); giảm 34% thôn, tổ dân phố (2.708 thôn tổ dân phố); hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế công chức; tiết kiệm ngân sách chi lương đối với 18.403 biên chế, chi phụ cấp chức vụ đối với 471 lãnh đạo quản lý. Nhiều cách làm hay của Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa để nhân rộng. TP cũng đã chủ động, sáng tạo, đề xuất các mô hình mới, như thí điểm Đội quản lý TTXD-ĐT cấp huyện, thí điểm Đề án quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. 
Thứ hai, về chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính, ĐVSN, sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, TP đã quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 23 sở, 12 phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập; đã khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; những chức năng, nhiệm vụ giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan đã được ban hành quy chế phối hợp; những nhiệm vụ quản lý nhà nước cần thay đổi được điều chỉnh kịp thời. 
Thứ ba, hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm, trong đó TP tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm, năm 2017 phê duyệt xong Bản mô tả và khung năng lực của 266 vị trí việc làm cơ quan hành chính và phê duyệt xong vị trí việc làm của 2.529 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay 100% cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… đúng theo vị trí việc làm, bước đầu đã phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của từng cán bộ; công tác tham mưu chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được nâng cao.
Thứ tư, ban hành kịp thời các quy chế, quy trình thủ tục giải quyết công việc. Sau kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, TP đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính; giúp giải quyết công việc chuyên nghiệp hơn, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
 Quang cảnh Đại hội
Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19-NQ/TW và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tổ chức bộ máy TP đã tinh gọn và hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Có được thành công trên là do Đảng bộ, chính quyền TP đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Làm tốt công tác tuyên truyền từ TP đến cơ sở; nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cấp, ngành; thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình dư luận, tư tưởng đội ngũ. Nhờ đó đến nay, không để xảy ra đơn thư, khiếu kiện khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy. Cùng đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết được TP triển khai sớm, thường xuyên, quyết liệt. Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản, đồng bộ, đảm bảo đúng quy trình. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện sắp xếp công khai, dân chủ, minh bạch; thống nhất nguyên tắc thực hiện, các bước thực hiện theo lộ trình phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; lựa chọn đơn vị khó sắp xếp nhất thực hiện trước để triển khai nhân rộng. Quá trình sắp xếp, lãnh đạo tổ chức đối thoại gặp gỡ với cán bộ; chính sách đối với cán bộ lãnh đạo dôi dư được quan tâm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện  sắp xếp theo tiến độ hiệu quả sau sắp xếp, đảm bảo triển khai đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo TP.
Mặc dù vậy, theo bà Vũ Thu Hà, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số nhiệm vụ cần quan tâm như: Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tài chính còn chậm; việc tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục chưa đồng thời với nâng cao chất lượng giáo dục do chưa đảm bảo định mức giáo viên/lớp; việc sắp xếp tổ chức bộ máy các trường cao đẳng, trung cấp nghề, các cơ sở bảo trợ xã hội, các trạm thú y và bảo vệ thực vật cấp huyện… còn chờ hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành. Giai đoạn 2020-2025, ngoài việc tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp 10% trong 4 năm 2021-2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong năm 2020 Chính phủ cũng đã ban hành 8 Nghị định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đòi hỏi TP tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai khoa học và đề ra các giải pháp thực hiện kịp thời. Tại Báo cáo chính trị cũng đã xác định tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, là một trong 14 giải pháp chủ yếu.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Sở Nội vụ xin đề xuất một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW; thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ CBCCVC, đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và trong toàn hệ thống chính trị; triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, điều hành, thực sự hướng tới người dân và doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung các giải pháp đổi mới ĐVSNCL, đây là nội dung quyết định đến khả năng tinh giản 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao chất lượng dịch vụ công mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; tập trung điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn, để đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng; phân loại, đánh giá; xác định chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô phải là yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả công tác tham mưu tại mọi ngành, lĩnh vực.
“Rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, đã, đang và sẽ có vai trò quyết định tới sự thành công của công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đề ra" - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.