Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn. Theo bà thì sao?
- Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang vận động rất tích cực, với các chỉ số lạc quan từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô đạt khoảng xấp xỉ 7%. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Cùng với đó là việc các Hiệp định thương mại được ký kết đã cho thấy thêm tín hiệu tích cực về các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Trong đó, BĐS vẫn thuộc nhóm ngành đứng thứ hai về thu hút vốn FDI, cùng với đó là có sự thay đổi mạnh mẽ về quốc gia, vùng lãnh thổ. Qua theo dõi cho thấy, nếu như trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia đứng đầu về lượng vốn đầu tư, năm nay Hồng Kông (Trung Quốc) lại trở thành một trong những đối tác đầu tư FDI lớn nhất.
Các hoạt động giao dịch BĐS trên thị trường vẫn rất nhộn nhịp, đặc biệt với các dự án chung cư. Bước sang quý IV/2019, thị trường càng trở nên nhộn nhịp không chỉ đối với nhà đầu tư và cả người mua. Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường BĐS không bị ảnh hưởng quá nhiều về nguồn vốn đầu tư, mà vấn đề chính ở đây đó là chính sách, Chính phủ thực hiện việc rà soát các dự án đã được cấp phép, giãn thời gian cấp phép cho các dự án mới... nên thị trường đã có những ảnh hưởng.
Thưa bà, những thay đổi về nguồn vốn đầu tư FDI từ các quốc gia vào Việt Nam từ đầu năm đến nay như thế nào?
- Trong thời gian qua, Việt Nam cũng thu hút được lượng lớn nguồn vốn FDI từ các DN Trung Quốc, nhưng chủ yếu vào các KCN. Còn vào BĐS thương mại vẫn thấp, do đặc thù giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về sản xuất.
Tuy nhiên, chính việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào BĐS thương mại từ những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc lại tạo thêm nhiều cơ hội cho thị trường và các DN của Việt Nam, vì đây là những quốc gia có trình độ quản lý rất tốt, có bề dày kinh nghiệm trong quá trình kinh doanh.
Vốn đầu tư FDI đổ vào thị trường BĐS tương đối lớn, nhiều ý kiến cho rằng nguồn vốn này cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến các DN BĐS của Việt Nam. Vậy DN Việt Nam cần phải làm gì để thích ứng, thưa bà?
- Tôi thấy rằng, dòng vốn ngoại vào thị trường đang đem đến nhiều tích cực hơn là những lo ngại về sự mất chủ động của các DN Việt. Vì vốn của nước ngoài đều là những DN có kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh và phát triển các dự án BĐS.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài về những quan tâm của họ đến thị trường Việt Nam, trong đó có rất nhiều DN muốn đầu tư dự án mới hoặc mua những dự án đang phát triển, bên cạnh đó cũng không ít DN tìm kiếm những đối tác Việt Nam để có cơ hội liên doanh, liên kết.
Chúng tôi nhận thấy rằng, vốn đầu tư nước ngoài là dòng tiền vô cùng tiềm năng, bên cạnh nguồn tài chính lớn, các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều mang theo những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm của họ. Nếu như DN Việt Nam có thể tận dụng được thì đó là hướng phát triển mới, bởi không chỉ giúp cho DN trong nước có thêm nguồn vốn mà còn có thể cơ hội tích lũy kinh nghiệm để phát triển lên một tầm cao hơn.
Xin cảm ơn bà!