Đề xuất này mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT, đặc biệt với người bệnh hiểm nghèo… Do đó, người dân hy vọng đề xuất này thành hiện thực để người bệnh và gia đình người bệnh bớt nhọc nhằn.
Giảm thủ tục, thuận lợi cho người dân
Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2, Bộ Y tế đề xuất quy định tỷ lệ hưởng BHYT 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong phạm vi được hưởng. Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2, do Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý.
Mức hưởng đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục KCB BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở KCB có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp cơ sở và khám lại ở cấp trên. Từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi KCB vượt cấp.
Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo (theo danh mục bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh parkinson, bại liệt,....) sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng. Thực tế, thời gian qua do thủ tục giấy tờ rườm rà, nhiều người bệnh gặp khó khăn khi xin giấy chuyển viện.
Đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, ông Đ.V.H. (67 tuổi, trú ở Hưng Yên) buồn bã chia sẻ, ông phát hiện u ác não tính cách đây 2 năm và đang điều trị tại Bệnh viện K. Ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản mỗi khi điều trị bệnh. Một phần vì chữa bệnh nên kinh tế gia đình kiệt quệ, một phần vì phải xin giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký KCB ban đầu.
Tuy nhiên, từ khi biết Bộ Y tế đề xuất người bệnh hiểm nghèo, mắc ung thư được đến thẳng cơ sở KCB có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà vẫn được hưởng tối đa chi phí BHYT, ông H. mừng rỡ vô cùng.
“Chúng tôi rất mong đề xuất người mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo được chi trả 100% mức hưởng BHYT thành hiện thực để người bệnh bớt nhọc nhằn, không phải đi lại, làm những thủ tục không cần thiết” - ông H. cho hay.
Còn bà N.T.H.G. (76 tuổi, Hải Phòng) không may mắc nhiễm trùng huyết không xác định; sốc nhiễm khuẩn. Qua 2 lần khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2), chi phí KCB của bệnh nhân G. lên đến hơn 855 triệu đồng.
“Khi biết Bộ Y tế đề xuất người mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo được chi trả 100% mức hưởng BHYT, tôi rất vui mừng và hy vọng đề xuất được thông qua để người bệnh vơi bớt khó khăn, vất vả” - bà G. bày tỏ.
Lợi ích cho người bệnh nhưng cần đánh giá tác động, bảo đảm công bằng
Đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, đề xuất này mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT, nhất là với những người bệnh hiểm nghèo, ung thư, bệnh hiếm. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Thường, để thực hiện nội dung này cần phải cân đối Quỹ BHYT và vấn đề liên quan đến đóng góp bảo hiểm cũng như công tác giám định BHYT.
Về đề xuất của Bộ Y tế, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho rằng, khi mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT, Bộ Y tế nên đánh giá tác động mở rộng phạm vi này ảnh hưởng đến các đối tượng như thế nào? Về khả năng chi trả của Quỹ BHYT cũng như khả năng của người bệnh, người dân đến đâu? Trên cơ sở, thực trạng, số bệnh nhân, số chi KCB BHYT và số cùng chi trả của bệnh nhân trong các năm qua để làm căn cứ đề xuất.
Thực tế cho thấy, không riêng bệnh ung thư, các bệnh khác như bệnh về máu, nhiễm trùng, tai biến mạch máu não, bỏng, bại liệt... với chi phí điều trị rất cao. Vì vậy, để thực hiện đề xuất này, Bộ Y tế cũng phải tính đến bảo đảm công bằng chi Quỹ BHYT giữa các bệnh khác nhau, trong phạm vi được hưởng. Bởi BHYT mang tính an sinh cộng đồng được áp dụng trong lĩnh vực KCB và chăm sóc sức khỏe cho mọi người, không vì mục đích lợi nhuận.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ BHYT hiện tại đạt 92,04% dân số. Tỷ lệ này cần tăng lên ít nhất 95% vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Bộ Y tế đánh giá, các chính sách trong Luật BHYT sửa đổi giúp bảo đảm cơ chế tài chính cho người dân, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của một số đối tượng được bổ sung, sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng sức khỏe của người dân.
Bộ Y tế dẫn chứng trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc. Mỗi tuần phải đến bệnh viện ba lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như: giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Khi họ tham gia BHYT và được Quỹ BHYT chi trả chi phí thì những khó khăn trên đã được giải quyết.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang, hiện nay thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ngoài ra, đại diện Vụ BHYT cũng lý giải đề xuất tỷ lệ hưởng 100% BHYT với một số trường hợp cụ thể nghĩa là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí KCB trong phạm vi được hưởng. Điều này không đồng nghĩa với việc BHYT chi trả 100% chi phí khám, điều trị bệnh, đồng nghĩa với việc chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỷ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.
Chính vì vậy, nhiều người dân rất mong đề xuất người mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo được chi trả 100% mức hưởng BHYT thành hiện thực để người bệnh và gia đình người bệnh bớt nhọc nhằn, vất vả.
Trường hợp tỷ lệ hưởng BHYT 100% theo phạm vi được hưởng cho người bệnh "vượt tuyến" chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt, một số loại bệnh chứ không phải tất cả; tránh tình trạng người dân ồ ạt lên tuyến chuyên môn cao để điều trị các loại bệnh thông thường, gây tình trạng quá tải.
Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB khi đồng thời đạt đủ các điều kiện: có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên; có số tiền cùng chi trả chi phí KCB của những lần đi KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; đi KCB đúng tuyến. Như vậy với đề xuất của Bộ Y tế, người bệnh được mở rộng tỷ lệ hưởng BHYT 100% đối với một số trường hợp không cần KCB đúng tuyến.