70 năm giải phóng Thủ đô

Giảm giữ lại ngân sách một số địa phương: Phải tăng xã hội hóa các nguồn lực

Đinh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc điều chỉnh tỷ lệ giảm giữ lại ngân sách địa phương của nhiều TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đang được Chính phủ trình Quốc hội được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chi, đặc biệt với chi đầu tư công tại các địa phương này.

* Cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội là cần thiết

Vậy, Hà Nội nói riêng và các tỉnh, TP khác nói chung sẽ phải có những giải pháp gì để huy động các nguồn lực địa phương, khi tỷ lệ giữ lại ngân sách giảm. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Chi tiết kiệm đến từng đồng

Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm việc điều chỉnh tỷ lệ giảm giữ lại ngân sách địa phương của nhiều TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Tại Hà Nội, tỷ lệ giữ lại này sẽ giảm từ mức 42% xuống 28%. Bà đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Cá nhân tôi cho rằng, việc cắt giảm khá lớn tỷ lệ ngân sách được giữ lại tại các TP lớn, trong đó có Hà Nội nếu được thông qua thì phải chấp hành. Như Bộ Tài chính đã phân tích, để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn, T.Ư buộc phải lấy ngân sách từ các địa phương phát triển, có nguồn thu tốt. Điều này giúp cân đối nguồn ngân sách T.Ư với địa phương để đảm bảo hài hòa miếng bánh ngân sách với tỷ lệ phù hợp. Vì thế, việc TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… chia sẻ khó khăn chung, “đồng cam cộng khổ” với các tỉnh, thành khó khăn hơn trên cả nước là cần thiết.

Việc giảm tỷ lệ giữ lại này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác chi, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển của Hà Nội, thưa bà?

- Khi tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương giảm xuống chắc chắn ảnh hưởng đến công tác chi, đặc biệt với chi cho các dự án đầu tư công. Với một Thủ đô rất cần phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… như Hà Nội, ngân sách chi cho các nhu cầu cần thiết này chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Nhưng, như tôi đã nói ở trên, một khi đã là chủ trương thì chúng ta phải chấp hành. Và sự chia sẻ là cần thiết. Vì vậy, bài toán đặt ra là, Hà Nội phải tính giải pháp làm sao ngân sách vừa chia sẻ khó khăn với các địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Nội.

Giải pháp đó, theo bà là gì?

- Trước hết, phải tính đến việc chi cho đúng, phải rà soát lại toàn bộ công tác chi. Giảm chi thường xuyên và cân đối chi đầu tư. Cái gì cần chi thì phải chi, cái gì chưa cần thiết trước mắt thì hoãn lại, cái gì lỡ chi lúc chưa thực sự cần thiết phải chấm dứt ngay. Các cơ quan Nhà nước cũng cần giám sát, thành lập các Hội đồng vốn để giám sát quá trình chi tiêu công này, tiết kiệm, chống lãng phí đến từng đồng một.

Ngoài ra, một giải pháp rất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu chi cần thiết, đặc biệt là chi đầu tư là xã hội hóa các nguồn lực. Phải tạo môi trường, cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư xã hội.

Thời gian qua, Hà Nội đã làm rất tốt vấn đề này. Ví dụ các hình thức hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị. Công tác cổ phần hóa DN Nhà nước, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu. Sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo ra một Hà Nội phát triển rất năng động.

Trong bối cảnh, tỷ lệ giữ lại ngân sách bị cắt giảm, công tác xã hội hóa các nguồn lực lại càng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Tất nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, hoạt động xã hội hóa cần đúng mục tiêu, có sự giám sát của Nhà nước và người dân. Nếu để xã hội hóa một cách tràn lan thì nhà đầu tư có lợi nhưng dân lại không được lợi. Cá nhân tôi cho rằng, việc huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân này phải đảm bảo hài hòa lợi tích 3 bên: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhân dân.

Như đã nói, ngoài việc tăng xã hội hóa các nguồn lực, việc phát hành trái phiếu địa phương thời gian qua đang được nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai. Tuy nhiên, quy mô phát hành vẫn nhỏ và các quy định cũng chưa thực sự hoàn thiện. Làm sao để gỡ khó về cơ chế này để thị trường vốn địa phương thực sự phát triển, thưa bà?

- Về chuyện này, cá nhân tôi cho rằng, các địa phương cần rà soát lại các cơ chế trong huy động nguồn lực. Vướng ở đâu thì báo cáo và đề xuất với Chính phủ. Nếu các đề xuất hợp lý thì chắc chắn Chính phủ sẽ ủng hộ. Thời gian qua, một tư duy rất mới trong điều hành đã được hình thành, trong quá trình làm, cái gì sai sẽ được chỉnh sửa, gỡ vướng dần, tạo điều kiện cho các địa phương huy động tốt nguồn lực.

Cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội là cần thiết

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Bà đánh giá thế nào về việc cần thiết phải có cơ chế đặc thù riêng về tài chính cho Hà Nội?

- Có thể nói, Hà Nội không chỉ của riêng người dân Hà Nội mà còn bao gồm cả các cơ quan T.Ư, Trung tâm chính trị khoa học, giáo dục cả nước, là Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước. Với ý nghĩa đặc biệt đó, việc có một cơ chế đặc thù về tài chính để Hà Nội phát triển xứng tầm Thủ đô, người dân được hưởng các lợi ích, hạ tầng giao thông, xã hội một cách tốt nhất là cần thiết.

Theo đánh giá của Chính phủ, qua hơn 10 năm thực hiện, các cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội như: Ưu tiên về bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương (NSĐP), mức huy động vốn đầu tư phát triển, thưởng vượt thu và đầu tư trở lại… đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo bước đột phá về đầu tư hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của TP. Thu ngân sách tăng mạnh, chi cho đầu tư cơ bản cũng đi lên, tạo ra bộ mặt Thủ đô văn minh, phát triển.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn những hạn chế trong triển khai các cơ chế đặc thù như mức dư nợ của TP so với nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng vẫn ở mức thấp… Vì thế, Dự thảo Nghị định lần này đã đưa ra những quy định về định mức chi và bội chi ngân sách của TP. Đối với bội chi ngân sách TP, cho phép Thủ đô Hà Nội được bội chi và được tổng hợp vào bội chi NSNN hàng năm do Quốc hội quyết định. Dự thảo Nghị định cũng quy định mức dư nợ vay của TP Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Quy định gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp TP có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng.

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực giúp địa phương phát triển, nhiều chuyên gia đề xuất nên cho phép các TP lớn xây dựng chính quyền đô thị, tự quyết về thu - chi để chủ động hơn. Ý kiến của bà ra sao?

- Việc xây dựng chính quyền đô thị là câu chuyện dài mà giới chuyên gia và các cơ quan quản lý Nhà nước đang có những nghiên cứu. Riêng Hà Nội, chúng ta đã có Luật Thủ đô, phát triển trên nền Luật này là rất tốt.

Xin cảm ơn bà!

Ngày 22/12, phát biểu bế mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: UBTV Quốc hội cho rằng các quy định về cơ chế tài chính, ngân sách trong Dự thảo Nghị định chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù. Đề nghị Chính phủ theo thẩm quyền cần xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội. Do đó khi ban hành Nghị định nêu trên Chính phủ cần bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền, tạo động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của quy định hiện hành. Đề nghị Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của UBTV Quốc hội về nội dung này để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu.