Góp ý về vấn đề này, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế "mở", chính sách đặc biệt để thu hút những người giỏi tham gia làm ĐB Quốc hội chuyên trách. Mặt khác, để nâng cao hoạt động của Quốc hội, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội thay vì họp 2 kỳ/năm, mỗi kỳ kéo dài trên dưới 1 tháng như hiện nay, nên tổ chức họp 4 kỳ/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, cũng như tạo điều kiện cho các ĐB Quốc hội kiêm nhiệm dễ dàng sắp xếp, bố trí thời gian để thực hiện nhiệm vụ.
Nâng tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách cũng chính là băn khoăn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu): Theo Dự Luật thì tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách vẫn được quy định “ít nhất là 35%”. Qua tổng kết thi hành Luật thì việc tăng thêm ĐB Quốc hội chuyên trách đã tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy của Quốc hội, các ĐB chuyên trách đã khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, nhưng chính Quốc hội khóa XIV cũng chỉ có 34,5% là ĐB chuyên trách. ĐB đề nghị làm rõ lý do không đạt được tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách để khắc phục. Cùng định hướng “giảm hợp lý số ĐB Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, tư pháp" và nên quy định rõ tỷ lệ giảm tối thiểu 40% để có ngưỡng phấn đấu cụ thể. ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng đồng tình với nhận định cho rằng các ĐB kiêm nhiệm, vì nhiều lý do, không đảm bảo cả về chất lượng làm việc và thời gian. ĐB đánh giá cao một số ĐB Quốc hội kỳ cựu và đề nghị có chính sách mở hơn, nâng tuổi làm việc với ĐB chuyên trách để tận dụng nguồn chất xám và kinh nghiệm công tác của họ, tránh lãng phí nguồn lực…
Một vấn đề đáng chú ý nữa cũng được nêu ra tại phiên thảo luận liên quan đến công tác cán bộ. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có nhiều ĐB được cho thôi nhiệm vụ ĐB Quốc hội nhưng tất cả đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi. “Tôi nghĩ rằng, với một hai trường hợp, cần để Quốc hội có ý kiến, biểu quyết cho thôi nhiệm vụ ĐB Quốc hội nếu ĐB có đơn xin thôi” – ĐB đề nghị.
Trước đó, Ban soạn thảo Dự Luật đã gửi đến ĐB Quốc hội báo cáo về một số nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ. Trong đó, về những ý kiến đề nghị giảm số ĐB Quốc hội công tác ở các cơ quan hành pháp và tư pháp, Ban soạn thảo cho biết, việc tăng ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm ĐB Quốc hội kiêm nhiệm công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp đã có chủ trương của Đảng. Nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong các đề án, văn bản hướng dẫn bầu cử ĐB Quốc hội, bảo đảm tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra, giảm hợp lý số lượng ĐB Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, không quy định cứng trong luật để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng nhiệm kỳ bầu cử.