Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm lãi suất, để không chỉ hô hào

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tiếp tục có thêm nhiều ngân hàng nhập cuộc "đua" giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại (NHTM) ồ ạt tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng.

Ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi cho vay

Sacombank vừa tung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân. Trong đó, 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với lãi suất từ 7,5%/năm. 10.000 tỷ đồng còn lại là cho vay phục vụ mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với lãi suất 9%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở, nếu đáp ứng điều kiện sẽ được áp mức lãi suất chỉ từ 8%/năm. Sacombank cho biết, thời gian vay của gói tín dụng này là linh hoạt, có thể kéo dài tối đa lên đến 30 năm.

MSB vừa thông báo chương trình giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Chương trình được áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí,… Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh của OCB sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5% một năm. Trong tháng 7, OCB cũng giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường của ngân hàng này hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.

Trước đó, VPBank, Techcombank, MB... cũng đã công bố các mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm.

Không chỉ các NHTM tư nhân, các NHTM Big 4 cũng có các chương trình hỗ trợ người vay. Cụ thể, Agribank cũng vừa triển khai chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thực hiện đến hết ngày 30/6/2024 và có thể kết thúc sớm hơn khi giải ngân đủ 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietcombank cũng vừa giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp áp dụng trong 5 tháng từ 1/8 đến hết 31/12/2023.

Tăng khả năng tiếp cận vốn

Theo đại diện NHNN, các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. NHNN cũng đã yêu cầu triển khai các yêu cầu về cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng, tiết tục cắt giảm các loại chi phí không cần thiết để hướng đến tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN có thể hạ lãi suất hơn nữa do nền kinh tế Việt Nam cần được thúc đẩy trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, hoạt động cho vay trở nên thận trọng và lĩnh vực sản xuất còn yếu. Ngoài ra, việc lạm phát Việt Nam hạ nhiệt cũng ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN.

Bà Yun Liu - chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu thuộc Ngân hàng HSBC nhận định: NHNN Việt Nam đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II khi cắt giảm lãi suất điều hành. "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV năm nay khi NHNN gia tăng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, cụ thể là sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III, đưa lãi suất điều hành về 4%/năm" - bà Yun Liu nói.

Các công ty chứng khoán dự báo, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Dù vậy, hiện tại, với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, kết quả thể hiện rõ với tăng trưởng tín dụng chậm lại. Vì thế  Shinhan Bank lưu ý NHNN Việt Nam có lẽ cần tín toán việc giảm lãi suất do xuất khẩu còn yếu, vẫn còn tồn tại các ngân hàng yếu kém và dự trữ ngoại hối suy giảm. Mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm trong khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp tắc nghẽn khiến tín dụng khó tăng mạnh cuối năm nếu không có các chính sách hỗ trợ đi kèm.

Báo cáo Điểm lại mới đây của World Bank cũng khuyến nghị NHNN cần xử lý rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, cần phải có những cải cách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, tăng cường cơ chế, thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng. Giảm lãi suất không quan trọng bằng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và đưa vốn vào đúng nơi sản xuất kinh doanh. “Nỗ lực chuyển hướng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, như các đề án gần đây về hỗ trợ nhà ở xã hội hoặc bất động sản công nghiệp, nên được cân đối và cân nhắc nhằm đảm bảo hiệu suất phân bổ tín dụng”- Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh.