70 năm giải phóng Thủ đô

Giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017 - 2018).

Chưa bền vững

Về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,70% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0 -1,3% so với năm 2017). Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017). Đặc biệt, có 10 tỉnh, TP (trong đó có Hà Nội) duy trì được tình trạng không tái nghèo.
 Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu. Ảnh:TTXVN
Trong 3 năm (2016 - 2018), Ngân sách T.Ư cũng đã giao 21.597 tỷ đồng, bằng 52,1% tổng vốn cả giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, cùng với 60.111 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ quan thẩm tra báo cáo là Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Dẫn ra con số ở một số tỉnh, số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh tới một số nguyên nhân chủ quan là “tình trạng không muốn thoát nghèo; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế”. Cùng với đó, việc đánh giá quá trình tổ chức, rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế, do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách.

Chiều 17/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không phải rượu bia hoàn toàn có hại, mà chỉ khi lạm dụng mới có hại. Hơn nữa, mặc dù đây là hai loại đồ uống có cồn, tuy nhiên mức độ uống và tác hại không hoàn toàn giống nhau. Do đó, đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về tên gọi cũng như một số nội dung quy định cụ thể về rượu và bia trong Dự Luật.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, vấn đề rượu thủ công là một tồn tại xã hội lớn trong nhiều năm qua, do đó Dự Luật nên thiết kế các quy định để chiều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Dự Luật tác động lớn đến nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng về các chính sách được điều chỉnh.

Vẫn có hiện tượng trục lợi chính sách

Liên quan đến các hành vi trục lợi chính sách trong giảm nghèo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nêu vấn đề, dư luận thời gian qua phản ánh rất nhiều về chuyện cán bộ đưa người thân vào đối tượng danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách, hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống, và đề nghị Chính phủ cho biết thực tế tình trạng này và con số vi phạm đã xử lý.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trước đây khi việc xác định, công nhận hộ nghèo thực hiện qua bình xét thì đúng là có hiện tượng này. “Tôi đi kiểm tra phát hiện có nơi người ta còn luân chuyển, năm nay tôi được là hộ nghèo thì sang năm nhường cho người khác” – Bộ trưởng nói. Đồng thời cho biết, từ khi chuyển sang xác định hộ nghèo theo tiêu chí thì việc xác định này công khai, minh bạch nên cơ bản đã khắc phục tình trạng trục lợi.

Về tình trạng trục lợi của một số cán bộ xã, huyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, những vụ việc báo chí, dư luận phản ánh chủ yếu là ở các nguồn hỗ trợ, chứ không phải là chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách giảm nghèo và những trường hợp khi bị phát hiện đều xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có sự nương tay.

Các ý kiến từ UBTV Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc ấn định chỉ tiêu hộ nghèo từ trên xuống dưới khiến việc công nhận hộ nghèo trở nên hình thức, không phản ánh đúng thực tiễn và đề nghị nên có cách làm khác đi trong vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem xét lại số liệu và đi sâu phân tích, đánh giá để tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp để chính sách đi đúng đối tượng, đúng mục đích.