Giảm nỗi lo từ tỷ giá

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số thống kê cho thấy, những chỉ tiêu chủ yếu có liên quan đến tỷ giá VND/USD trong 6 tháng đầu năm 2016 có thể làm chúng ta yên tâm hơn với tỷ giá.

Giá USD ổn định

Biểu hiện trực tiếp là giá USD giảm nhiều hơn tăng. Trong 6 tháng đầu năm, giá USD có 3 tháng tăng nhẹ (tháng 1, tháng 4, tháng 6), 3 tháng giảm sâu hơn (tháng 2, tháng 3, tháng 5), nên tính chung 6 tháng giảm 0,8% (trong khi cùng kỳ 2013 tăng 0,84%, 2014 tăng 0,32%, 2015 tăng 1,92%). Điều đó chứng tỏ VND đã lên giá so với USD, làm giảm bớt nỗi lo từ cuối năm trước cho rằng tỷ giá là vấn đề lớn nhất của năm 2016. Biểu hiện thứ hai, giá USD ổn định đã góp phần để xuất khẩu tăng, trong khi nhập khẩu giảm, dẫn đến xuất siêu.

Biểu hiện thứ ba, tỷ giá thương mại hàng hóa tăng, chứng tỏ xuất khẩu được lợi hơn nhập khẩu; Biểu hiện thứ tư, trong mấy ngày nay, với sự nhảy múa của giá vàng trong nước - yếu tố có liên quan chặt chẽ với giá USD - nhưng giá USD vẫn ổn định; Biểu hiện thứ năm, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào khoảng 8 tỷ USD; có thông tin từ tháng 6 đến nay, NHNN tiếp tục mua vào USD đưa dự trữ ngoại tệ lên mức kỷ lục, trong khi tỷ giá VND/USD vẫn ổn định.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Tỷ giá ổn định có nguyên nhân quan trọng do cán cân thương mại thặng dư. Xuất siêu hàng hóa 6 tháng đạt 5,9 tỷ USD, góp phần làm cho cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng. Ngoài ra, do lượng ngoại tệ vào Việt Nam có quy mô lớn và gia tăng từ các nguồn. FDI thực hiện 7,3 tỷ USD, tăng 15,1%. FII tính đến nay ước đạt trên 15 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần năm 2011. Lượng kiều hối được chuyển về từ đầu năm vào dịp Tết cổ truyền nhiều hơn các thời gian khác trong năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt trên 4,7 triệu lượt người, tăng cao, chi tiêu khoảng gần 5 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ...

Trong khi đó, với các giải pháp điều hành của NHNN bắt đầu từ việc điều chỉnh “kép” (vừa tăng tỷ giá, vừa nới rộng biên độ) và “vượt trước ngăn chặn” (về khả năng giảm giá tiếp của NDT và tăng lãi suất của Mỹ từ tháng 8/2015). Cách điều hành thay đổi bằng tỷ giá trung tâm, vừa bảo đảm linh hoạt và phù hợp với cơ chế thị trường, vừa hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ...

Một nguyên nhân quan trọng ít người chú ý là “cánh kéo” tỷ giá (chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương) còn rất lớn so với nhiều nước (của Việt Nam là 2,78 lần (1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 2,78 USD tại Mỹ) nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Từ những biểu hiện và các nguyên nhân tác động như trên, có thể dự đoán giá USD năm nay sẽ tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ của năm 2015 (5,34%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần