Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm phí, tăng sức cho doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, Bộ này đề xuất giảm phí từ 20 – 50% đối với 4 lĩnh vực giao thông vận tải.

Cụ thể, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.

Ảnh: GTHN
Ảnh: GTHN

Cùng với đó, giảm 20% mức thu đối với 7/10 nội dung thu phí trong 2 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 50% mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và 50% lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa. Dự kiến thời gian giảm phí, lệ phí các lĩnh vực trên sẽ giảm trong 3 tháng (bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12/2022.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất giảm các loại phí, lệ phí để giảm gánh nặng cho DN trước ảnh hưởng của Covid-19. 8 tháng qua, việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị và giá xăng, dầu liên tục biến động cũng khiến chi phí vận tải, logistics phi mã.

Theo tính toán, 2 năm qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, tăng 4 - 6 lần và đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm 2021 chi phí logistics gồm gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan…. vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Đây là thách thức không nhỏ đối với DN và hàng hoá Việt Nam thời điểm hiện tại. Vì vậy, đề xuất giảm sâu các loại phí, lệ phí lĩnh vực giao thông vận tải, bến bãi có rất nhiều ý nghĩa với DN.

Ước tính việc giảm phí, lệ phí theo đề xuất lần này sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 55 tỷ đồng trong 3 tháng. Ngân sách giảm thu nhưng DN sẽ có có thêm cơ hội giảm chi phí để tập trung cho giai đoạn phục hồi và phát triển. Theo đó, năng lực cạnh tranh của DN Việt cũng sẽ đi lên, đóng góp tích cực lại vào nguồn thu ngân sách.

Việc quan trọng thời gian tới là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí cho DN và người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính. Ngoài ra, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cũng là những nhiệm vụ quan trọng để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực cho DN và nền kinh tế phát triển.