Giảm phí trước bạ xe ô tô: Nên hay không?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 khiến sức tiêu thụ ô tô giảm mạnh, tồn kho tăng cao. Để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên giảm 50% phí trước bạ trong ngắn hạn.

Sức mua ô tô lao dốc không phanh
Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, trong tháng 7 chỉ tiêu thụ được 16.035 xe ô tô các loại, giảm 32% so với tháng  6/2021, tính chung trong 7 tháng qua VAMA đã tiêu thụ 166.516 xe các loại. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng qua Việt Nam đã sản xuất và nhập khẩu 283.000 xe các loại, tiêu thụ 242.407 xe, hiện lượng xe tôn kho lên đến 40.000 chiếc tương đương 2 tháng tiêu thụ bình thường.
Phân tích nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xe ô tô giảm mạnh, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, dịch Covid-19 đã khiến tài chính của người tiêu dùng sụt giảm nên chỉ quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu. Tổng Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn thông tin, sức tiêu thụ giảm sút và dịch Covid-19 lan rộng đã khiến nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô phải hoạt động cầm chừng. “Hiện nhà máy Toyota Vĩnh Phúc chỉ duy trì hoạt động  30% công suất, Công ty ô tô Trường Hải tại Quảng Nam đang cho lao động nghỉ luân phiên”- ông Chấn nêu ví dụ.
Các doanh nghiệp ô tô phản ánh, sức tiêu thụ giảm lượng hàng tồn kho tăng cao nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống người lao động, nếu dịch Covid-19 kéo dài doanh nghiệp sẽ khó lòng “đứng vững”. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến hết năm 2021, thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nên sức mua sẽ tiếp tục giảm sâu.
 Sức mua ô tô giảm mạnh do Covid-19

Có nên giảm thuế trước bạ?
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, người dân tiếp cận được ô tô giá rẻ, nhiều công ty sản xuất xe ô tô và địa phương kiến nghị Chính phủ tái áp dụng giảm 50% mức lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) vừa có văn bản 45/2021/CV-TCM gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tương tự UBND tỉnh Ninh Bình (nơi có nhà máy ô tô Hyundai Thành Công - TC Motor) và Quảng Nam (nơi có nhà máy ô tô Thaco) cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người dùng tiêu thụ mặt hàng này.
Lý giải nguyên nhân kiến nghị nhà nước giảm 50%  lệ phí trước bạ đối với ô tô nội địa, Tổng giám đốc Công ty TC Motor Lê Ngọc Đức nêu rõ, việc ưu đãi lệ phí trước bạ, sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy từ 28/6 đến 31/12/2020 quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đã tăng 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng”- ông Đức dẫn chứng.
Đại diện Thaco cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành đang phải giãn cách xã hội thì việc giảm 50% lệ phí trước bạ là cần thiết trong việc hỗ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng hưởng lợi mua ô tô giá rẻ.
 Sức mua ô tô giảm mạnh trong dịch Covid-19

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ không làm thất thu ngân sách nhà nước. “6 tháng cuối năm 2020 Bộ Tài chính triển khai giảm 50% lệ phí trước bạ, tổng thu ngân sách từ thuế và trước bạ bán ô tô tăng lên gần gấp đôi so với những tháng đầu năm. Kết quả này cho thấy việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ khuyến khích người dân mua ô tô, doanh nghiệp bán được hàng và nguồn thu ngân sách sẽ tăng theo”- ông Thịnh nói.
Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cho rằng nếu Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước thì người tiêu dùng có cơ hội mua xe giá rẻ. Chẳng hạn xe Toyota Vios bản 1.5G CVT có giá khoảng 580 triệu đồng, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ người mua chỉ phải đóng 34,8 triệu đồng thuế (hiện đang phải đóng 69,6 triệu đồng). Với mẫu xe hạng sang lắp ráp tại Việt Nam như Mercedes-Benz E300 AMG có giá bán khoảng 2,92 tỉ đồng, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký tại Hà Nội thì chủ xe sẽ chỉ phải bỏ ra 175,2 triệu đồng, thay vì 350,4 triệu đồng phí trước bạ như hiện nay.
Ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cho thấy nếu Chính phủ tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, thu ngân sách không sụt giảm, người dân có cơ hội mua ô tô giá rẻ.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sẽ kích thích được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, có nguồn thu trở lại. Đây là bước đi cần thiết đối với việc tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt và khác biệt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, từ đó thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định trong dài hạn, góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước

Tổng giám đốc Công ty TC Motor Lê Ngọc Đức

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5586/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc Công ty TC Motor kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty Thành Công Motor Việt Nam, đánh giá và tính toán kỹ tác động, từ đó đề xuất hướng xử lý tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước ở bối cảnh dịch Covid-19.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần