Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm rào cản, tăng tính cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số vốn đăng ký và thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2012 đều giảm so với năm trước. Vậy làm thế nào để tăng cả "lượng" và "chất" của dòng vốn rất quan trọng này cho sự phát triển kinh tế đất nước?

 Vấn đề này một lần nữa làm "nóng" hội trường họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm 2012 và mục tiêu và giải pháp năm 2013 do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 4/1.

Nhiều điểm sáng, tối

Lũy kế đến năm 2012 đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 213,6 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 13,6%. Năm 2012, cả nước có 1.100 dự án ĐTNN mới được cấp Giấy chứng nhận (GCN) đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% cùng kỳ 2011. Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011.

Giảm rào cản, tăng tính cạnh tranh - Ảnh 1

Lắp ráp linh kiện điện tử cao tại Công ty Samsung Việt Nam.  Ảnh  Hải Linh

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng, thu hút ĐTNN Việt Nam năm 2012 tuy giảm về vốn đăng ký so với năm trước nhưng vẫn có một số điểm sáng đáng lưu ý. Vốn ĐTNN năm qua giảm nhẹ so với năm 2011 chính là kết quả tích cực góp phần làm cán cân vốn tài chính được cải thiện, tăng dự trữ ngoại hối… Đặc biệt tỷ lệ dự án tăng vốn đầu tư vượt 58,5% so với năm trước, chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư cũng như triển vọng tương lai.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT thừa nhận, ĐTNN năm 2012 vẫn còn nhiều tồn tại, đáng kể nhất là xu hướng suy giảm thu hút vốn mấy năm gần đây chưa được cải thiện, chất lượng dự án đầu tư chưa cao, tỷ lệ tạo việc làm mới chưa tương xứng mức thu hút FDI, một số DN gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế… Hơn nữa, chính sách pháp luật chậm được cải tiến, thực thi pháp luật còn nhiều bất cập làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia

Tăng tính cạnh tranh trong chính sách đầu tư

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia, kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 vẫn đối mặt nhiều thách thức. Do đó, Bộ KH&ĐT dự kiến nguồn vốn ĐTNN năm nay chưa thể phục hồi mạnh, với vốn đầu tư đăng ký đạt 13 - 14 tỷ USD, vốn thực hiện 10,5 - 11 tỷ USD, tương đương năm 2012.

Trong 8 nhóm giải pháp Bộ KH&ĐT đề ra nhằm cải thiện tình hình thu hút ĐTNN trong năm 2013, đáng chú ý là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011 - 2020 nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Không công bố những dự án chưa có quyết định đầu tư

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, số lượng DN đầu tư ra nước ngoài ngày càng giảm, trong khi nhu cầu thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng tăng, khiến cạnh tranh trong thu hút ĐTNN giữa các nước rất quyết liệt. Do đó tại thị trường Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản đều yêu cầu cơ quan chức năng tuyệt đối giữ bí mật chiến lược đầu tư, kinh doanh của họ, nếu không sẽ rút quyết định đầu tư. Từ lý do đó, Bộ KH&ĐT sẽ trình Thủ tướng công văn đề nghị không cho phép công bố các dự án ĐTNN khi chưa có quyết định chính thức đầu tư.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, khung pháp lý của Việt Nam về quản lý FDI hiện chưa hoàn thiện, mấu chốt là nhiều bộ, ngành chịu trách nhiệm chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Chẳng hạn, vấn đề kinh tế trong thu hút FDI do Bộ KH&ĐT đảm nhiệm, nhưng chuyện tiền gửi, thanh toán vốn, nộp thuế, khoa học - công nghệ… lại do các cơ quan chuyên ngành khác thực hiện. "Vẫn còn rất nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn và chưa đầy đủ trong trong hệ thống luật pháp về FDI, nên khi có những vụ việc cụ thể như DN FDI bỏ trốn, chuyển giá… vừa qua các cơ quan quản lý đã lúng túng trong khâu xử lý. Hy vọng trong quý I/2013, khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 25 năm ĐTNN, sẽ có một Nghị quyết hoàn thiện về xử lý những hạn chế của FDI hiện nay" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng yếu kém, trong đó ùn tắc giao thông, hạn chế trong cấp điện, nước, nguồn nhân lực ít được đào tạo bài bản nên thiếu công nhân và kỹ sư trình độ cao, thủ tục đầu tư chưa được đơn giản hóa… vẫn là những rào cản khiến DN FDI vào Việt Nam kém lợi thế so với các nước trong khu vực. Do đó, cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực chất lượng cao được Bộ KH&ĐT coi là 3 khâu đột phá phải tăng cường trong năm nay.

Riêng về phân cấp quản lý ĐTNN, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2013 sẽ hoàn thiện cơ chế này theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương nhưng tránh phân cấp dàn trải mà đảm bảo tập trung, hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước. Bộ KH&ĐT vừa đề nghị Chính phủ với những dự án ĐTNN có quy mô và độ lan tỏa lớn vẫn giao địa phương cấp phép nhưng phải qua quy trình kiểm tra, thẩm định chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành từ T.Ư.