Giảm rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu, sự cạnh tranh và va chạm về lợi ích giữa các ngành sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu ngày càng phức tạp. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu sức ép lớn trước các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại (PVTM).

Bảo hộ thương mại là xu hướng trên toàn cầu

Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, chính sách bảo bộ thương mại có thể có nhiều hình thức, trong đó thuế quan là biện pháp được sử dụng chủ yếu. Ngoài ra còn có các rào cản phi thuế quan như: tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh, hạn ngạch, kiểm soát trao đổi, giấy phép nhập khẩu, yêu cầu về thủ tục hải quan, yêu cầu về quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.

Thép Việt Nam xuất khẩu là mặt hàng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa
Thép Việt Nam xuất khẩu là mặt hàng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, chính sách bảo hộ thương mại có thể cho phép các chính phủ thúc đẩy thương mại và sản xuất trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ, áp dụng trợ cấp thuế quan và hạn ngạch hoặc hạn chế hàng hóa và dịch vụ nước ngoài trên thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, việc từ bỏ các chính sách thương mại tự do hoặc triển khai các biện pháp bảo hộ có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia như làm chậm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát.

Các biện pháp bảo hộ thương mại có thể làm hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, khi hàng nhập khẩu được nhập với thuế suất cao thì giá của hàng hoá đó sẽ được bán với giá cao, khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu bị giảm xuống.

Bên cạnh đó, các chính sách này có thể bảo hộ các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại và sản xuất của các doanh nghiệp nội địa; hàng hoá nội địa có cơ hội tiếp cận thị trường ít cạnh tranh hơn do các chính sách bảo hộ đã hạn chế hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.

Cá tra Việt Nam thường xuyên bị Mỹ áp thuế chống án phá giá. Ảnh minh họa
Cá tra Việt Nam thường xuyên bị Mỹ áp thuế chống án phá giá. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành xu hướng trên toàn cầu kể từ năm 2008, khi mà các quốc gia sử dụng các chính sách mới nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nội địa trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn: Trung Quốc - Mỹ; Trung Quốc - Australia; Mỹ - EU; EU và Trung Quốc; Nga - các quốc gia phương Tây.

Chú trọng cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

Để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như duy trì dòng chảy thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề PVTM, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác cảnh báo sớm.

Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết: Cục đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Hoạt động này đã đưa ra dự đoán tương đối chính xác, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả trong nhiều vụ việc.

Bên cạnh đó, Cục PVTM còn thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về PVTM một cách tổng quát và chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, hiệp hội, các cơ quan liên quan. Ngoài ra, đơn vị bám sát việc trao đổi, cung cấp thông tin về PVTM để các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan cập nhật kịp thời.

Giám đốc Trung tâm Hội nhập WTO – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do được thi hành đi kèm các ưu đãi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp thì cũng tồn tại song song các biện pháp PVTM.

Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu chung. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Vì vậy, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về tầm quan trọng của việc xử lý tốt vụ việc PVTM và vai trò then chốt của doanh nghiệp khi tham gia xử lý vụ việc. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đánh giá và dự báo trước nguy cơ bị điều tra PVTM để chuẩn bị sớm và chủ động xử lý khi có vấn đề phát sinh.

 

Những tháng cuối năm 2023, Cục PVTM sẽ tiếp tục triển khai thực thi pháp luật PVTM một cách công khai, minh bạch, công bằng; tiến hành điều tra các vụ việc PVTM mới khi có đề nghị của ngành sản xuất trong nước, rà soát các biện pháp PVTM đang có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung