Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt tình hình vịt chết tại Phúc Thọ

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp xảy ra tình trạng đàn vịt nuôi chết do nghi ngộ độc thức ăn tại hai xã Ngọc Tảo và Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, ngày 9/2, Chi cục Thú y Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình tại xã Ngọc Tảo và đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp xử lý.

Theo khai báo của chủ hộ, số vịt bị chết thuộc hộ ông Cấn Xuân Tình, cụm 2, xã Phụng Thượng với tổng đàn 850 con, trong đó số bị chết là 400 con và hộ ông Hoàng Văn Hợp, cụm 5 xã Phụng Thượng với tổng đàn 1.000 con, số bị chết là 170 con. Qua nắm bắt tình hình, chủ hộ không thực hiện nghiêm túc việc khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi có vịt chết. Số vịt chết nhanh sau khi ăn thức ăn (570 con), số còn lại của 2 hộ chăn nuôi đã dùng thuốc và giải độc nên không còn hiện tượng chết.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các hộ cho biết hiện tượng vịt chết sau khi ăn ngô mua tại đại lý Việt Loan có địa chỉ tại thị trấn Phúc Thọ từ trước Tết Nguyên đán với số lượng 1,3 tấn (có hóa đơn bán hàng). Tại hộ ông Hoàng Văn Hợp, trong thời gian cho ăn từ ngày 10/1 - 3/2/2017, vịt vẫn khỏe mạnh bình thường. Đến ngày 3/2/2017 mới có hiện tượng vịt chết với các triệu chứng sau khi ăn khoảng 30 - 60 phút: chảy dãi, giãy giụa, chết hàng loạt. Tại hộ ông Cấn Xuân Tình, số lượng ngô trên đã sử dụng được 15 ngày vịt ăn vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng đến ngày 25/1/2017 mới có hiện tượng vịt chết hàng loạt với số lượng khoảng 400 con. Khi vịt chết có các triệu chứng chảy dãi, giãy giụa, chết hàng loạt.

Bà Bùi Thị Thanh Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, sau khi nhận được thông tin, Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ đã đề nghị hai hộ chăn nuôi dừng cho ăn số ngô còn lại, tổng khoảng 540kg. Đồng thời quản lý và chăm sóc tốt đàn vịt còn lại, tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, không được nhập đàn trong thời gian 21 - 30 ngày cho đến khi tình hình ổn định. Đặc biệt, yêu cầu các hộ chăn nuôi tuyệt đối không được vứt xác gia súc, gia cầm ra ngoài môi trường làm phát tán mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường. “Trước kia chỉ có trường hợp trâu, bò chết do ăn phải cỏ có phun thuốc, còn vịt chết do nhiễm độc thức ăn rất hiếm xảy ra trên địa bàn” – bà Tuyết thông tin.

Bà Tuyết cũng cho biết thêm, hiện nay giá thịt lợn tuy có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp (34.000 – 35.000 đồng/ kg hơi), kết hợp với trên địa bàn huyện xảy ra hiện tượng ngộ độc thức ăn trên đàn vịt đẻ trứng. Để giảm tới mức tối đa thiệt hại trong chăn nuôi, Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ đề nghị UBND các xã, thị trấn, các cơ quan có liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Đồng thời tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật trong chăn nuôi đồng thời phải kiểm tra kỹ tình trạng thức ăn trước khi cho gia súc, gia cầm ăn, nếu thấy hiện tượng bất thường phải dừng ngay việc cho ăn và báo ban chăn nuôi thú y xã để kịp thời xử lý.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Đoàn Hồng Phong – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, Chi cục đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số vịt bị chết. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Chẩn đoàn Thú y T.Ư đề nghị xét nghiệm bệnh cúm gia cầm, hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, tạm cấp 20 lít hóa chất thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực hộ chăn nuôi có gia cầm chết. Chi cục Thú y cũng đề nghị UBND huyện Phúc Thọ tập trung chỉ đạo các ngành Công an, quản lý thị trường, thú y, bảo vệ thực vật, y tế… xác minh, làm rõ nguyên nhân vịt chết. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Ông Phong cũng cho biết, hiện tượng vịt chết hàng loạt do ngộ độc thức ăn hầu như chưa xảy ra trên địa bàn TP. Do đó, ông Phong khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên mua thức ăn chăn nuôi tại các địa chỉ tin cậy, rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Được biết, trong ngày hôm qua (9/2), Đoàn kiểm tra của huyện Phúc Thọ đã xác minh tại đại lý kinh doanh ngô Việt Loan, có địa chỉ tại cụm 8, thị trấn Phúc Thọ. Tại thời điểm kiểm tra, đại lý đã xuất trình được các giấy tờ như Giấy phép kinh doanh số 030500795 cấp ngày 2/6/2001 ngành nghề mua bán lương thực, phân bón... Đoàn đang tiếp tục kiểm tra, thu thập thông tin để làm rõ sự việc.

Trước đó, ngày 1/2, tại hộ chăn nuôi của ông Lê Văn Cúc, cụm 1, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cũng xảy ra tình trạng đàn vịt nuôi chết hàng loạt do nhiễm độc sau khi ăn thóc. Tổng số vịt chết được kiểm đếm là 900 con. Số thóc được mua từ cửa hàng bán thóc của bà Đỗ Thị Long, xã Phụng Thượng từ ngày 17/1/2017 với số lượng 3.905kg. Số lượng thóc trên đã sử dụng được 1/2, vịt vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng đến ngày 1/2/2017 mới có hiện tượng vịt chết hàng loạt với các triệu chứng sau khi ăn 10 - 15 phút như giãy giụa, chết hàng loạt rất nhanh, máu chảy ra có màu đen.

Huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo tiêu hủy số vịt chết và thức ăn còn lại nơi đã cho vịt ăn, đồng thời lấy mẫu thóc niêm phong, lưu trữ. Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra xác minh tại hộ kinh doanh thóc Đỗ Thị Long. Tại thời điểm kiểm tra kho hàng cách nhà bà Long 50m không có thóc. Bên cạnh đó, vì là hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên bà Đỗ Thị Long không xuất trình được các thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh thóc. Được biết, hai hộ liên quan trong sự việc đã thỏa thuận giải quyết nội bộ xin hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho nhau.