Giám sát chặt việc vay nợ của doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Đối ngoại, Bộ Tài chính Nguyễn Thành Đô cho biết trong số hơn 500 dự án vay lại, tỷ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 0,7%.

Dù vậy, ông Đô cho rằng giám sát các khoản vay vẫn cần đặc biệt chú ý.

- Bộ Tài chính công bố tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia là 42,2% GDP trong khi dư luận lại nói nhiều về con số 32,5 tỷ USD. Ông giải thích gì về hai con số này?

- Trong Bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính mới phát hành, có đề cập tới tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP tại thời điểm 31/12/2010 là 42,2%. Ngay trong bản tin cũng công bố dư nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tại thời điểm 31/12/2010 là 32,5 tỷ USD. Hai con số nêu trên là hoàn toàn khác nhau.

 
Giám sát chặt việc vay nợ của doanh nghiệp - Ảnh 1
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Đối ngoại, Bộ Tài chính Nguyễn Thành Đô.
Trong tổng số 74 dự án đang được Chính phủ bảo lãnh, chỉ có 6 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ. Đây là các dự án có khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán.

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm: Nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay theo hình thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rõ, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chỉ là một bộ phận trong khái niệm “Nợ nước ngoài của quốc gia” nêu trên.

- Hiện nay xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về an toàn nợ của doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Doanh nghiệp muốn hoạt động được thì phần lớn đều phải đi vay vốn trong và ngoài nước. Trước tình trạng một số doanh nghiệp, thậm chí cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, không trả được nợ thì sự lo lắng đó hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho doanh nghiệp vay lại thì tới nay, trong số hơn 500 dự án vay lại, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,7%. Trong tổng số 74 dự án đang được Chính phủ bảo lãnh, chỉ có 6 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ. Đây là các dự án có khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán.

Theo chúng tôi, trong cơ chế thị trường và điều kiện môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì hoạt động của các doanh nghiệp, kể cả hoạt động vay nợ, không thể tránh hết được rủi ro. Vì thế, việc giám sát chặt chẽ hơn hoạt động vay nợ của doanh nghiệp trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bản thân doanh nghiệp cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trước các biến động của thị trường.

- Liệu Bộ Tài chính có trả nợ thay cho doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nước ngoài?

- Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của người bảo lãnh phát sinh theo thỏa thuận bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không trả được nợ. Do đó, nếu người được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời không trả được nợ lãi trong vòng 3 kỳ trả nợ, Bộ Tài chính yêu cầu đại diện chủ sở hữu hoặc công ty mẹ của người được bảo lãnh trả nợ thay. Trường hợp đại diện chủ sở hữu hoặc công ty mẹ không có khả năng trả nợ thay, Bộ Tài chính được phép tạm ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ. Trên 3 kỳ trả nợ thì Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng giải pháp xử lý.

Tuy nhiên, việc trả nợ cho người cho vay được Bộ Tài chính thực hiện theo hình thức tạm ứng trả và doanh nghiệp (người được bảo lãnh) phải nhận nợ đối với Quỹ Tích lũy trả nợ với các điều kiện theo quy định và hoàn trả lại Bộ Tài chính khoản đã tạm ứng sau đó.

- Xin ông cho biết nguyên nhân của việc tăng khá nhanh nợ nước ngoài của quốc gia trong những năm gần đây?

- Mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng trong những năm gần đây nợ nước ngoài quốc gia có xu hướng tăng khá nhanh do thời gian qua có nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai với các khoản vay lớn từ nước ngoài. Đồng thời, vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả cũng có xu hướng tăng nhanh, nhất là nợ ngắn hạn.

Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc vay nợ nước ngoài không vượt quá kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài hàng năm, xác định danh mục ưu tiên các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2015 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

- Bộ Tài chính sẽ có biện pháp nào để hạn chế tình trạng tăng nhanh nợ nước ngoài của quốc gia?

- Trong bối cảnh nhu cầu vốn chi cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng nguồn lực nội tại chưa đáp ứng thì việc huy động nguồn lực thông qua vay nợ từ bên ngoài là cần thiết. Trong giai đoạn tập trung đầu tư, việc gia tăng chỉ số nợ nước ngoài là không thể tránh khỏi. Sau giai đoạn này, đi đôi với tăng cường huy động vốn trong nước, chỉ số nợ nước ngoài sẽ giảm xuống.

Việc cân đối giữa vay nợ với đảm bảo an ninh tài chính và cân đối vĩ mô luôn là một yêu cầu hàng đầu với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính. Để đảm bảo ngưỡng an toàn nợ, vấn đề quan trọng nhất là cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát từ quá trình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay cho đến trả nợ nhằm đảm bảo hiệu quả và khả năng trả nợ.

Chủ trương huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay cần gắn liền với việc xây dựng hạn mức nợ, xác định mức vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ, đảm bảo an toàn nợ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang chủ trì, nghiên cứu xây dựng "Dự thảo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có dự kiến các phương án vay nợ nước ngoài và các chỉ số nợ tương ứng để phục vụ cho điều hành và giám sát thực trạng vay nợ nước ngoài của quốc gia.