Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát ngày càng hiệu quả, nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân

Hồng Thái - Thịnh An. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Ngày 25/3, tham luận tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, các đại biểu đã khẳng định vai trò giám sát, xây dựng chính sách của HĐND trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân:

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù

Năm 2023 là năm có dấu ấn quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là nhiệm vụ trọng yếu của toàn hệ thống chính trị Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố đã chủ động tham mưu chuẩn bị trước các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngay khi Quốc hội vừa thông qua, để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống của Nhân dân Thành phố.

HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết chuyên đề nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết... Trong năm 2023, HĐND Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp và thảo luận, thông qua 249 Nghị quyết; trong đó có 2 Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố và tăng tốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân

Có thể nói việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của HĐND Thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai. Các cơ chế, chính sách đặc thù đang dần phát huy giá trị thực tiễn, lãnh đạo Thành phố đã và đang tiếp tục tập trung triển khai các nội dung để đưa cơ chế chính sách vào cuộc sống phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thường trực HĐND Thành phố sẽ tiếp tục cùng đồng hành với UBND Thành phố tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh công tác tham mưu ban hành nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 nhằm sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mà Quốc hội giao cho Chính phủ, bộ ngành quy định.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung:

Phối hợp, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý

Năm 2024, các cơ quan gồm: Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã thống nhất ký kết quy chế phối hợp bốn bên. Công tác phối hợp được thực hiện tốt; trong đó, những kinh nghiệm hay, những bài học quý tại Kỳ họp Quốc hội đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin trao đổi với Thường trực HĐND tỉnh để nghiên cứu, học tập các kỳ họp của HĐND tỉnh. Các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đều có sự tham dự của lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Công tác phối hợp trong hoạt động xây dựng pháp luật trước kỳ họp Quốc hội, trong đó Đoàn Đại biểu Quốc hội đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật, mời Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh tham dự.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung

Về công tác phối hợp trong hoạt động giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát của đoàn, trong đó xác định rõ nội dung chuyên đề giám sát ngay từ đầu năm. Thường trực HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thống nhất điều hòa hoạt động giám sát để tránh trùng lặp về nội dung và phân bố hợp lý về thời gian địa điểm giám sát.

Đối với những vấn đề nổi cộm bức xúc cử tri kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát để nắm bắt thông tin, làm việc với UBND tỉnh để xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết. Vì vậy một số kiến nghị bức xúc của cử tri kéo dài nhiều năm đến nay đã được quan tâm giải quyết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký:

Giám sát tạo chuyển biến mạnh trong thực thi chính sách

Năm 2023, tỉnh HĐND tỉnh đã phát huy rõ nét vai trò và thẩm quyền thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, cấp thiết ở địa phương. Với 4 kỳ họp đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy thành 68 nghị quyết là các giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký  
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký  

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã phát huy hiệu quả chức năng giám sát, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Trong năm, HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 7 cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời triển khai 32 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời cung cấp thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh phục vụ công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những tác động tích cực tới việc bảo đảm thực thi pháp luật, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tạo dựng được niềm tin của Nhân dân ngày càng cao.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu:

Nâng cao kỹ năng chất vấn cho đại biểu HĐND

Để chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tăng cường hoạt động giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát; tiếp tục tái giám sát hoặc đưa những nội dung đó ra chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm.

Các đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành phố và Thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Các đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành phố và Thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị nội dung chất vấn, các vấn đề cần tập trung thảo luận, tập trung vào các vấn đề lớn, nổi cộm được người dân quan tâm. Đặc biệt, rà soát, tổng hợp kỹ việc thực hiện các kết luận chất vấn, giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, việc thực hiện chức trách của các cơ quan có liên quan.

Đáng chú ý, Thường trực HĐND thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm cũng như kỹ năng thảo luận, chất vấn, giải trình cho đại biểu HĐND, tránh tâm lý ngại va chạm của đại biểu.

Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri. Tăng cường việc theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri; nâng cao năng lực, trách nhiệm của thành viên đoàn giám sát trong hoạt động giám sát của Tổ Đại biểu HĐND, Đại biểu HĐND.