Hà Nội:

Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Nông dân TP Hà Nội sẽ phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội giám sát việc sử dụng vốn vay của các DN. Qua đó, đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Quang cảnh buổi giám sát
Quang cảnh buổi giám sát

Chiều 18/1, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Phạm Văn Quyết phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ánh Ngọc
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Phạm Văn Quyết phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ánh Ngọc

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết thông tin, tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đến 31/12/2021 đạt 11.824 tỷ đồng. Chi nhánh đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tổng dư nợ cho vay đạt 11.786 tỷ đồng với 253.700 khách hàng đang vay vốn, tăng 1.619 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 15,9%.

Đối với việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 126 ngày 8/10/2021 về bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33 bổ sung Quyết định số 23, chi nhánh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành liên quan.

Đồng thời, chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động tại các địa phương. Thông qua các kênh rà soát của chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội, đã liên hệ và rà soát tổng số 8.635 người sử dụng lao động, trong đó, đã tiếp nhận và hướng dẫn phối hợp hoàn thiện hồ sơ đối với 188 lượt người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trong 5 lĩnh vực; đó là: Vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Về kết quả giải ngân, tính đến 31/12/2021, chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đã giải ngân được 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho 38.020 lượt lao động với tổng số tiền 162,240 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 161,487 tỷ đồng.

Cụ thể: Cho vay trả lương ngừng việc đối với 70 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho 8.069 lao động với tổng số tiền 34,930 tỷ đồng.

Cho vay vốn trả lương phục hồi sản xuất đối cho 68 người sử dụng lao  động bị tạm ngừng hoạt động để trả lương cho 16.193 lao động với số tiền 71,312 tỷ đồng.

Cho vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho 19 người sử dụng lao  động trong 5 lĩnh vực nói trên để trả lương cho 13.758 lao động với số tiền 55,998 tỷ đồng.

Ngay sau khi giải ngân, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH nơi cho vay đã thực hiện kiểm tra cho vay đối với 54 lượt người sử dụng lao động, dư nợ trên 65,6 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đã thực hiện kiểm tra chuyên đề tại 2 đơn vị ở Cầu Giấy, Ba Đình. Qua kiểm tra, các hồ sơ đảm bảo theo các quy định hiện hành. Người sử dụng lao động đã kịp thời chi trả lương hết cho người lao động sau khi nhận được vốn vay từ Ngân hàng CSXH.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp người sử dụng lao động đã không thực hiện trả lương hết cho người lao động theo số tiền vay ngân hàng; Ngân hàng CSXH nơi cho vay đã thu hồi vốn trước thời hạn đối với số tiền không thực hiện trả lương cho người lao động này (số tiền là 754 triệu đồng).

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH TP Hà Nội nhấn mạnh: Việc cho vay được giải quyết kịp thời cho người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đảm bảo quyền lợi, hỗ trợ cho người lao động khó khăn theo đúng chính sách của Chính phủ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ánh Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai. Đó là trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, dẫn đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ vay vốn còn chậm…

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đề nghị thời gian tới, MTTQ, HND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm phối hợp và thực hiện công tác giám sát, đảm bảo chính sách của Chính phủ được triển khai tốt và tháo gỡ kịp thời các tồn tại vướng mắc phát sinh. 

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng đánh giá cao kết quả tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội tại chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội.

Bà Dương Thị Hằng đề nghị, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt và tăng cường phối hợp với các cơ quan, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách cho vay.

“Cần có hình thức tuyên truyền cụ thể, mở rộng các kênh thông tin tuyên truyền để các DN, người sử dụng lao động nắm bắt và tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhất là khâu kiểm tra sau khi cho vay để đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích” - bà Dương Thị Hằng nhấn mạnh.

Về phía HND TP sẽ tiếp tục phối hợp với chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội tiến hành giám sát việc sử dụng vốn vay của DN để trả lương cho người lao động. Qua đó, đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào cuộc sống đạt hiệu quả thực chất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần