Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm tải cho chợ đầu mối

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19, việc duy trì ổn định lưu thông nông sản, thực phẩm cho thị trường Hà Nội trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội là vấn đề hết sức quan trọng.

Nhiều người tiêu dùng mua hàng qua thương mại điện tử trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Hải Linh
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay toàn TP đã hoàn thành gieo cấy 76.833,2ha lúa (đạt 100% kế hoạch). Diện tích rau củ quả được gieo trồng từ ngày 24/7 đến nay đạt gần 3.761ha. Qua đó, cung ứng cho thị trường khoảng 13.382 tấn nhóm mặt hàng này. Công tác kiểm soát giết mổ tiếp tục được ngành NN&PTNT giám sát chặt chẽ. Số lượng gia súc, gia cầm được giám sát giết mổ từ ngày 24/7 đến nay là hơn 332.369 con; cung ứng khoảng 2.872 tấn thịt động vật an toàn cho thị trường Thủ đô. Đối với nhóm hàng thủy sản, theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản lưu thông tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai) là gần 624 tấn.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, khả năng cung ứng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để duy trì công tác này trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị Sở GTVT tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ giải quyết nhanh nhất việc xác nhận cho các xe chuyên chở hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân Thủ đô.

Ngành NN&PTNT cũng đề nghị Sở Công Thương tiếp tục phối hợp thông tin các cơ sở có nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội để phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, tăng cường kết nối các siêu thị, DN hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, bố trí các địa điểm có thể trung chuyển hàng hóa, nông sản nhằm giảm tải cho các chợ đầu mối. Cùng với đó, quan tâm tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho cán bộ ngành nông nghiệp, bởi đây là lực lượng vẫn phải hoạt động thường xuyên để duy trì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Ngoài ra, theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hiện nay các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh nông sản và sản phẩm OCOP đang khá lúng túng trong việc kết nối tiêu thụ. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chưa kịp thời tiếp cận các kênh cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19. Trước thực trạng đó, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô thì việc bán hàng thông qua các hình thức thương mại điện tử, online và livestream là giải pháp có thể đáp ứng đa mục tiêu. Người dân có thể thuận lợi hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, vừa bảo đảm giãn cách xã hội và an toàn phòng dịch Covid-19.