Giảm tải dân số nội đô sẽ giải quyết được ùn tắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với số dân đã vượt trên 8,5 triệu người dẫn đến mật độ giao thông của Hà Nội đã trở nên quá tải gấp 3 - 4 lần. Bởi sự gia tăng dân số nên các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc hiện nay đều chỉ là tình thế.

Về lâu dài, cần có những chiến lược, chính sách nhằm giải quyết triệt để nạn ùn tắc trong TP. Trong đó, đặc biệt phải quan tâm đến việc giảm tải dân số nội đô cho những năm tiếp theo.

Kiểm soát nhà cao tầng

Những khu nhà chung cư hiện nay ở 4 quận nội thành Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã xuống cấp, rất cần được phá dỡ xây mới bảo đảm an toàn dân sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, không nên dỡ bỏ nó để xây những ngôi nhà cao gấp 3 - 4 lần nhà cũ. Việc xây mới nhà cao 10 - 17 tầng tại các khu vực trên thế vào những ngôi nhà cũ này đẹp thì có đẹp nhưng lại có mặt trái đó là làm tăng dân số lên nhiều lần khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiện và ùn tắc sẽ khó tránh khỏi. Chưa hết, nhà cao tầng biến TP xanh (bởi mất dần sân chơi, hồ nước) trở thành TP "bê tông" gây ra tình trạng nhiệt độ nội đô nóng lên. Những khu chung cư cao tầng này khi đưa vào sử dụng, lại nảy sinh “chuồng cọp”, rồi cơi nới, phơi phóng quần áo… càng làm diện mạo đô thị xấu đi. Trên thực tế, dân số cơ học ở những đô thị lõi, đô thị trung tâm vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, xu hướng tập trung hóa đô thị hiện đang diễn ra phổ biến tại các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu các đô thị trong khu vực châu Á như tại Singapore, Hongkong, mật độ dân số chỉ khoảng 6.500 người/km2 thì tại Thủ đô Hà Nội, hiện các quận nội thành cũng có mật độ lên tới 25.000 - 36.000 người/km2.

 
Cảnh ùn tắc giao thông tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung vào giờ cao điểm. Ảnh: Chiến Công
Cảnh ùn tắc giao thông tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung vào giờ cao điểm. Ảnh: Chiến Công
Muốn kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình cao tầng, các đô thị nên phát triển thêm nhiều khu đô thị vệ tinh mới để chuyển dần dân ở các quận nội thành ra bên ngoài. Vấn đề này, trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khẳng định mục tiêu từ 10 - 20 năm nữa sẽ chuyển được khoảng 400.000 dân tại 4 quận nội thành ra ngoài khu vực này. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn đòi hỏi chính quyền TP phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng nếu thực hiện được biện pháp này đây sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ việc tăng dân số cơ học ở các quận, góp phần giảm mật độ dân số, tiến tới giảm UTGT.

Di chuyển các trường học

Tất cả các trường đại học, cao đẳng cần có dự án xây dựng và di chuyển ra vùng ngoại ô, bởi hàng ngày, số sinh viên tham gia giao thông rất cao. Trước đây, chúng ta đã xây dựng các trường ở khu vực ngoại ô như Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, Đại học Quốc Gia… nhưng khi Hà Nội mở rộng, phát triển, hiện các trường này đã nằm trong khu vực nội thành.

Do đó, TP Hà Nội cần phải tính đến lộ trình di dời các cơ sở đào tạo này ra khỏi nội thành để dịch chuyển khoảng hàng trăm ngàn sinh viên ra môi trường học tập và sinh hoạt mới tại khu vực đô thị vệ tinh hoặc tỉnh lân cận. Quy hoạch này cũng đang được Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là việc di dời một số cơ quan T.Ư ra khỏi khu vực nội đô theo quy hoạch. Hiện, TP Hà Nội đang thực hiện di dời một số bộ, cơ quan T.Ư ra khu vực Tây Hồ Tây hoặc Mỹ Đình... Tuy nhiên, để làm được những việc này cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển đô thị như Luật Đô thị.

Một “nhạc trưởng” chỉ huy

Mặc dù đã có quy trình, quy định phát triển đô thị nhưng vẫn nặng về tự phát. Hầu hết các dự án được lập ra sau đó mới tính đến việc làm đô thị, đi ngược lại quy trình là lập quy hoạch đô thị rồi mới kêu gọi dự án. Việc này dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu đô thị, kết nối hạ tầng khó khăn do không đồng bộ, gây UTGT, ô nhiễm môi trường, hạ tầng xã hội quá tải, bức xúc về nhà ở... Do đó, quản lý phát triển đô thị phải luôn bám sát quy hoạch và quy hoạch phải đi trước một bước thì mới tương thích với sự phát triển của đô thị. Tất cả đều phải xuất phát từ quy hoạch để kiểm soát, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và đặc biệt phải bám sát các quy hoạch vùng - chung - phân khu.

Để Hà Nội phát triển bền vững và giữ thăng bằng cán cân cung - cầu, cần có một "nhạc trưởng" chỉ huy nhằm đảm bảo quy trình này. Việc xây dựng các đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dịch vụ đồng bộ sẽ hạn chế đáng kể sự dịch chuyển của người dân từ đô thị này đến đô thị khác tiến tới giảm UTGT một cách bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần