Việc đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp hiện nay đang là một trong những vấn đề lớn mà Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng phải đối mặt. Hành động đốt ngoài trời này không những gây ra những hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đưa ra đề xuất giải pháp giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời nhằm bảo vệ môi trường. |
Với thông điệp “Giảm thiểu đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, thực hành BAT/BEP để bảo vệ môi trường và sức khỏe”, hội thảo “Các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời” đã góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (U-POP), khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác sinh ra do đốt ngoài trời, tập trung vào các nguy cơ do đốt rác sinh khối.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đưa ra đề xuất giải pháp giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời cũng như hướng dẫn thực hiện BAT/BEP trong xử lý chất thải sinh khối, đặc biệt là rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác dễ phân hủy sinh học.
Được biết, hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”, được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tham gia của 05 quốc gia, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Philippin.
Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản dự án, Tổng cục Môi trường là chủ dự án và Cục Kiểm soát ô nhiễm là đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Mục tiêu của dự án là giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOP) trong hoạt động đốt ngoài trời hiệu quả và bền vững.