GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường |
Thưa Giáo sư, tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài tại Hà Nội đã tạo nên một hiệu ứng dư luận khá nóng trên các diễn đàn trong những ngày qua. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khí tượng với hiện tượng nghịch nhiệt, do nguồn phát thải từ xe máy; có người lại cho là do sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, bụi từ các công trình xây dựng, thậm chí cũng có ý kiến còn cho rằng do công việc dọn dẹp nhà cửa của người dân để chào đón năm mới…Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Tôi cho rằng tất cả các nguyên nhân đều đúng. Nguyên nhân khách quan là do khí tượng – thời tiết. Nguyên nhân chủ quan là do các hoạt động từ con người gây nên. Trong đó nguyên nhân do khí tượng là bất khả kháng, chúng ta gần như không thể làm chủ được tình hình này.
Nguyên nhân này chúng ta không nên xem nhẹ, vì khí tượng như giọt nước tràn ly khiến nồng độ ô nhiễm tăng cao và có thể gây rủi ro cho con người. Anh quốc và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản,… đã từng rơi vào rủi ro do sương mù gây ra.
Còn nhớ hồi tháng 12/1952, sương mù “sát thủ” bao phủ toàn bộ Thủ đô London nước Anh và ban đầu, người dân không để ý vì nó trông không khác sương mù tự nhiên quen thuộc xuất hiện ở Anh hàng nghìn năm qua. Nhưng trong những ngày tiếp theo, tình hình xấu đi và bầu trời tối sầm lại. Ở nhiều nơi tại Thủ đô London, tầm nhìn giảm chỉ còn khoảng 1m, giao thông bị đình trệ và hàng chục nghìn người mắc các bệnh hô hấp.
Những ngày qua, Hà Nội cũng có thời điểm sương mù đặc quánh, ô nhiễm không khí không thể phát tán lên cao mà luẩn quẩn ở tầng thấp. Vì thế có những khi đã xảy ra phản ứng quang hóa tạo ra ozôn gây nên nồng độ ô nhiễm không khí càng cao. Hiện tượng này, nếu kéo dài trong tình trạng tắc đường sẽ gây nên khó thở cho người tham gia giao thông, có thể dẫn đến ngất – bất tỉnh nên chúng ta không thể xem nhẹ.
Còn nguyên nhân chủ quan thì chúng ta cũng đều biết, đều từ hoạt động của con người gây nên, từ phát thải xe máy, đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, xả rác thải bừa bãi, xây dựng thì không đảm bảo qui định về môi trường, xe chở vật liệu thì rơi vãi khắp đường,…
Đúng là con người là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí nhưng thưa ông, dường như mỗi khi xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí thì không ít người lại cho rằng lỗi thuộc về phía chính quyền. Ý kiến của Giáo sư về thực trạng này?
- Đúng là có một thực tế đáng buồn đang diễn ra, phần lớn chúng ta vẫn đang nghĩ ô nhiễm không khí là do ai gây nên chứ không phải tự thân. Người dân là nạn nhân của ô nhiễm không khí nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói, họ cũng chính là thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí. Điều này đòi hỏi mỗi người dân hãy thay đổi nhận thức và hành vi của mình để môi trường được cải thiện.
Tôi nghĩ rằng, một trong những hành động thiết thực nhất mà tất cả chúng ta đều có thể làm được để góp phần giảm ô nhiễm không khí chính là hãy tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm sử dụng điện, xăng, dầu, giảm thiểu nguồn rác thải...
Thực tế, thời gian qua, chính sách Nhà nước cũng đã có cố gắng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng môi trường như: Kiểm soát các nhà máy phát thải ô nhiễm không khí nhiều như xi măng, nhiệt điện không cho các nhà máy này xây dựng trong TP lớn; xóa bỏ xăng pha chì; nâng tiêu chuẩn nhiên liệu từ Euro2 lên Euro4…
Thế nhưng, công trình xây dựng thi nhau mọc lên, lượng phương tiện cá nhân tăng lên, lượng tiêu thụ điện, xăng cũng cứ tăng đều… Phát thải ô nhiễm từ đó mà ra, chứ đâu? Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp hiệu quả về môi trường, từ việc giảm thiểu đốt rơm rạ, chuyển đổi sử dụng bếp than tổ ong sang bếp thân thiện môi trường, trồng hàng triệu cây xanh… nhưng vẫn ô nhiễm, do đâu?
Tôi chỉ cần lấy ví dụ đơn giản như bếp than tổ ong, không ít người dân biết không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng vẫn sử dụng vì lợi ích trước mắt của bản thân đó là tiết kiệm chi phí; xe máy quá niên hạn sử dụng, phát thải khói đen xì vẫn dùng; rác thải sinh hoạt xả vô tội vạ;… Tất cả là do mỗi hành động vô thức của chúng ta mà ra cả.
Vậy, sự phát triển nóng của nền kinh tế có phải là nguyên nhân không, thưa ông?
- Đương nhiên rồi. Tất cả những hành động của con người đều được tạo nên từ yếu tố cốt lõi, đó là phát triển nóng của nền kinh tế. Trong quá trình phát triển nóng của nền kinh tế chắc chắn có những đánh đổi nhất định, bởi lẽ không có gì là miễn phí. Song có điều, cần phải xem liệu việc đánh đổi ấy có đáng hay không và làm thế nào để giảm bớt thiệt hại.
Nếu chỉ số GDP bình quân đầu người tăng cao thì rõ ràng ô nhiễm môi trường sẽ càng lớn. Bởi thế, nếu Việt Nam chỉ số GDP được xếp hạng cao thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa về môi trường.
Ô nhiễm không khí là một trong những hậu quả của sự phát triển nóng ấy. Tuy nhiên, đó là quy luật nên không thể tránh được, nhưng điều chúng ta có thể làm được đó là lựa chọn phương án tối ưu để phát triển mà giảm thiểu được ảnh hưởng môi trường.
Việc lựa chọn như ông nói, quả là không đơn giản. Ông có đề xuất gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường?
- Tôi cho là Nhà nước cần có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu với sự tham gia của các nhà khoa học về các lĩnh vực của môi trường. Từ kết quả nghiên cứu này, chúng ta mới xây dựng những mục tiêu với những lộ trình để giảm thiểu ô nhiễm.
Ví dụ, đối với việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu về nguồn phát thải ra môi trường: Ô tô, xe máy phát thải ra bao nhiêu? Xây dựng, đốt rơm rạ, bếp than tổ ong là bao nhiêu?... Phải kiểm soát được nguồn phát thải.
Biết được nguồn phát thải mỗi lĩnh vực rồi, TP mới đặt ra mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn với lộ trình phù hợp cùng nguồn kinh phí để đạt được hiệu quả; giao, phân rõ trách nhiệm và quán triệt thực hiện đối với các cấp ngành, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, DN gây ô nhiễm thì phải như thế nào, DN chịu ô nhiễm thì có chính sách hỗ trợ môi trường ra sao?…
Thưa ông, thực ra nói thì dễ nhưng làm rất khó, vì cứ hễ dự kiến có chủ trương này kia cho môi trường thì lại bị không ít ý kiến phản đối?
- Làm chính sách thì phải chấp nhận những ý kiến phản biện, không thể có 100% ủng hộ, vì ai cũng có lợi ích riêng của mình. Tuy nhiên, chính sách có lợi cho cộng đồng thì có ý kiến phản biện cũng vẫn phải quyết. Cái này cần sự bản lĩnh của người làm chính sách.
Tôi còn nhớ, quy định người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cũng từng có không ít ý kiến phản đối nhưng Nhà nước vẫn quyết thực hiện và thực hiện hiệu quả, vì chính sách đúng- bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông. Thế nên, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí cũng vậy, rất cần sự quyết liệt của những người làm chính sách và người đứng đầu TP.
Xin cảm ơn ông!