Những “cơn ác mộng”
Năm 2022, Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm phân làn cứng, chia tách riêng không gian lưu thông cho ô tô và xe máy, xe buýt, xe thô sơ… Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, hình thái tổ chức giao thông này đã buộc phải gỡ bỏ. Một trong những nguyên nhân chính do tuyến đường có nhiều đường ngang kết nối, giao cắt trực tiếp, dẫn đến khó khăn trong phân làn, phân luồng.
Đó cũng chính là một bất cập tồn tại lâu nay trong mạng lưới giao thông của Hà Nội. Hầu hết các tuyến đường trục chính như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt… đều có nhiều đường ngang kết nối hai bên.
Có vị trí là đường phố lớn, lưu thông hỗn hợp cả ô tô, xe máy; có vị trí lại là những ngõ nhỏ chỉ vừa chiếc xe máy đi qua. Nhưng điểm chung của tất cả những tuyến đường ngang này là đều không bị hạn chế tốc độ khi tiếp cận trục chính.
Khi luồng phương tiện từ các đường ngang đổ vào trục chính, tâm lý chung của nhiều người điều khiển là muốn nhanh chóng thoát ra đường to để tránh ùn tắc, hoặc chủ quan phóng nhanh, không quan sát. Có lúc thì vị trí giao cắt bị xe dừng đỗ che khuất tầm nhìn, cộng với tốc độ cao khiến không ít người và phương tiện gặp tai nạn. Đối với những người đang điều khiển xe lưu thông trên đường lớn, trục chính, xe máy, xe đạp, người đi bộ từ trong ngõ lao ra đã trở thành “cơn ác mộng”.
Chỉ lơ là phút chốc họ có thể đâm thẳng vào xe hoặc người thình lình xuất hiện từ trong ngõ. Thậm chí dù đã hết sức chú ý, nhiều người vẫn có thể bị phương tiện từ những góc khuất bất ngờ phóng nhanh va phải. So với những trục giao thông chính, các tuyến phố lớn, đường ngang cũng tiềm ẩn nguy cơ không kém vì có nhiều hơn những ngõ nhỏ kết nối. Chỉ cần không quen thuộc đường phố, không nhận thấy ngõ nhỏ giao cắt, nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông có thể đến bất cứ lúc nào.
Bên cạnh thực trạng mạng lưới giao thông quá nhiều cấp hạng (trục chính, phố lớn, phố nhỏ, ngõ to, ngõ bé…), tình trạng dừng đỗ xe tùy tiện tại các vị trí giao cắt, hoặc biển bảng quảng cáo, nơi tập kết rác, hàng quán… bủa vây, che khuất tầm nhìn cũng khiến việc quan sát của người tham gia giao thông trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, công tác tổ chức giao thông mới được chú trọng trên các tuyến đường phố lớn. Trong đại đa số ngõ nhỏ của Hà Nội hiện chưa có các biện pháp như: biển cảnh báo va chạm, hạn chế tốc độ… khiến người dân còn giữ tâm lý chủ quan, thiếu ý thức, phóng nhanh bất chấp nguy cơ rủi ro qua các giao cắt để tiếp cận đường lớn nhanh hơn.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, hành vi phóng nhanh, lao ra khỏi ngõ nhỏ để vào đường lớn của người điều khiển phương tiện còn là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.
Ví dụ như một số vị trí thường xuyên gây khó cho giao thông toàn tuyến như nút giao: Nguyễn Trãi - Chiến Thắng; Nguyễn Trãi - Kim Giang; Tố Hữu - Trung Văn; Nguyễn Huy Tưởng - Vũ Trọng Phụng… Thực tế đó cho thấy cần phải có giải pháp cưỡng chế giảm tốc đối với luồng phương tiện trên các tuyến phố nhỏ, ngõ nhỏ khi đi qua những vị trí nút giao để vào đường lớn, trục chính giao thông.
Lắp gờ giảm tốc
Cưỡng chế giảm tốc đối với luồng lưu thông từ đường ngõ nhỏ ra đường lớn sẽ mang lại 3 hiệu quả thiết thực. Thứ nhất là giảm thiểu tai nạn giao thông khi các xe từ trong ngõ lao ra, hay từ đường lớn rẽ vào đều buộc phải giảm tốc độ để dễ quan sát và xử lý tình huống hơn.
Thứ hai là hạn chế tốc độ tiếp cận của các hướng lưu thông ngang, tiếp cận qua giao cắt, điều tiết lưu lượng để mọi hướng lưu thông đều nhịp nhàng, trật tự hơn, qua đó giúp hạn chế ùn tắc giao thông. Thứ ba là giảm tốc cưỡng chế sẽ buộc người điều khiển phương tiện đi chậm lại, giảm thiểu hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu khi qua giao cắt, dần dần hình thành ý thức, nề nếp cho người tham gia giao thông.
Biện pháp cưỡng chế thiết thực, dễ làm nhất hiện nay là lắp đặt, xây dựng các gờ giảm tốc ngay trước những nút giao, trên phần đường của các ngõ, phố nhỏ hơn, đặc biệt với ngõ rất nhỏ, hẹp trong khu dân cư. Gờ giảm tốc cần được kết hợp với biển cảnh báo, biển báo giao thông để người dân nắm rõ, có sự chuẩn bị tâm lý từ xa, bảo đảm an toàn, thuận tiện khi đi lại.
Đặc biệt các khu đô thị lớn đã có đông người dân sinh sống, nhiều phương tiện giao thông rất cần lắp đặt gờ giảm tốc tại vị trí kết nối đường nội khu với đường giao thông chung. Với những nút giao có đủ điều kiện, không gian có thể xem xét xén hè, tạo vịnh cho người dân rẽ phải ngay trước nút giao để vào ngõ, phố, khu đô thị. Trong khi đó hướng đi ra đường lớn vẫn lắp đặt thêm gờ giảm tốc để cưỡng chế hạn chế tốc độ tiếp cận.
Việc lắp đặt gờ giảm tốc phải được thực hiện chung trong một công thức tổ chức giao thông cho cả khu vực nút giao, đường kế cận để bảo đảm đồng bộ năng lực lưu thông. Hơn nữa, Sở GTVT Hà Nội phải lựa chọn một số nút giao để thí điểm trước, rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai rộng khắp trên địa bàn TP.
Một giải pháp cũng quan trọng không kém là “dọn sạch” các nút giao giữa ngõ nhỏ, phố nhỏ với đường lớn, trục chính. Các hành vi dừng đỗ xe, treo biển bảng quảng cáo, bày bán hàng, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn tại vị trí giao cắt đường bộ phải được chính quyền và lực lượng chức năng địa phương quyết liệt triệt xóa. Sự lơ là, thiếu quyết tâm của nhiều địa phương đã dẫn đến không ít vị trí giao cắt đường bộ biến thành điểm “đen” ùn tắc giao thông.
Ví dụ như chân rác ngay cuối cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, đoạn đầu phố Hoàng Ngân (tiếp giáp giữa hai quận: Cầu Giấy và Thanh Xuân). Đây là một trong những vị trí thường xuyên gây ùn tắc giao thông cho toàn tuyến do tập kết, trung chuyển rác hàng ngày.
Mặt khác, song hành với tổ chức giao thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức phổ biến luật giao thông, quy tắc đi lại cho người dân để dần dần nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng xã hội. Hà Nội đã trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn với sức hút mạnh mẽ lan tỏa ra cả nước.
Chính vì vậy, tốc độ gia tăng dân số cơ học và phương tiện giao thông ngày càng cao trong khi năng lực đáp ứng của hạ tầng còn hạn chế. TP cần nhiều giải pháp hữu hiệu cả lâu dài lẫn trước mắt để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông; và một trong số đó là tổ chức lại giao thông cho mọi nút giao lớn nhỏ theo hướng bài bản, trật tự hơn.