Giảm tối đa số lượng doanh nghiệp Nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) vào năm 1992, sau hơn 10 năm, số lượng DN Nhà nước (DNNN) chỉ còn 1.300 và gần đây nhất là con số 1.060 DN 100% vốn Nhà nước. Số ngành, lĩnh vực có DNNN tham gia cũng giảm từ 43 xuống còn 20.

Tại diễn đàn "Đẩy mạnh cải cách DNNN: Tư duy và hành động" do CIEM và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 8/11, bà Trần Thị Thanh Hồng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng T.Ư Đảng) cho rằng, chỉ những ngành, lĩnh vực then chốt như: Quốc phòng, an ninh, hạ tầng mới cần sự góp mặt của DNNN. Nhà nước cần tiếp tục mở cửa các thị trường độc quyền, tiến tới xóa bỏ độc quyền DNNN trong các lĩnh vực như truyền tải điện, đường sắt, cấp thoát nước… thực hiện giám sát độc lập và có hiệu lực đối với các DN độc quyền, các DN thống lĩnh thị trường, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. "Nếu là công ty độc quyền phải chịu sự điều tiết của các cơ quan độc lập, không bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế hay chính trị" - bà Hồng nhấn mạnh.

Giảm tối đa số lượng doanh nghiệp Nhà nước - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Phân tích về sự độc quyền của các DNNN trong những ngành, lĩnh vực này, TS Trần Tiến Cường cho rằng, chính việc sáp nhập, hợp nhất các DNNN độc lập thành các tổng công ty hoặc sáp nhập các tổng công ty thành tập đoàn kinh tế Nhà nước đã dẫn đến tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Trước đây, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, DNNN được sử dụng làm công cụ điều tiết vĩ mô, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc lạm dụng vai trò này khiến thị trường bị méo mó. Các DNNN thường phải chịu thiệt thòi hơn các DN khác vì không được Nhà nước bù đắp chi phí cho việc thực hiện các "nhiệm vụ" kinh tế hay chính trị, nhưng lại có lợi thế hơn nhà vị thế độc quyền.

Tiếp tục giảm tối đa số lượng DNNN ở tất cả các ngành, lĩnh vực là yêu cầu đặt ra của nền kinh tế. PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM dẫn chứng ở Anh, Pháp, DNNN chỉ chiếm 5 - 7% GDP, còn ở Việt Nam tỷ lệ này xấp xỉ 30%. Chừng nào số DNNN còn đông đảo như hiện nay thì vẫn cần một bộ máy Nhà nước cồng kềnh để quản lý, giám sát.