Gian lận công nghệ cao: Bài học đắt giá từ mùa thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng như một công cụ gian lận ngay trong giờ làm bài. Từ việc chụp đề gửi lên ứng dụng giải bài bằng AI đến sử dụng camera siêu nhỏ, tai nghe không dây…, các thí sinh tại Hà Nội và Lâm Đồng đã bị phát hiện và bị khởi tố với cáo buộc làm lộ, chiếm đoạt bí mật Nhà nước.
Sử dụng AI để gian lận thi tốt nghiệp
Ngày 30/6/2025, Phòng An ninh chính trị nội bộ - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm lộ Bí mật nhà nước” theo Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT xảy ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2025.
Trước đó, báo chí và mạng xã hội phản ánh nghi vấn liên quan đến việc lọt đề thi môn toán. Theo đó, ảnh chụp một phần đề thi đã được đăng tải trên ứng dụng giải toán bằng AI khi chưa kết thúc thời gian làm bài.
Qua điều tra, lực lượng chức năng bước đầu xác định: thí sinh N.V.K đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn toán và đăng tải lên ứng dụng StudyX để giải đề thi nhưng chỉ chép được đáp án của 2 câu hỏi thi. Ngoài ra, N.V.K còn chụp ảnh và đăng tải đề thi môn hoá học, vật lý trong buổi thi vào ngày 27/6/2025.
Mở rộng điều tra, Công an còn phát hiện 1 trường hợp khác cũng sử dụng điện thoại để gian lận thi cử. Thí sinh L.T.M.A đã lén mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi môn toán, môn lịch sử, môn tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng AI Gemini trên điện thoại giải đề thi. Hội đồng coi thi đã phát hiện, lập biên bản vi phạm quy chế thi, đình chỉ thi.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, thí sinh N.P.T.S bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao (camera cúc áo, tai nghe siêu nhỏ, điện thoại kết nối Internet) để quay trực tiếp đề thi ngữ văn và gửi ra ngoài nhờ hỗ trợ giải đề.

Công an làm việc với các thí sinh vi phạm.
Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy: vào tháng 6/2025, do áp lực thi cử, N.P.T.S đã đặt mua một bộ thiết bị công nghệ cao gồm tai nghe hạt đậu không dây và camera siêu nhỏ dạng cúc áo qua mạng xã hội Facebook. Sau đó, N.P.T.S đã gặp và hướng dẫn B.T.Q (SN 2008, trú cùng địa phương) cách sử dụng thiết bị, nhờ Q hỗ trợ giải đề và đọc đáp án qua điện thoại trong lúc thi.
Ngày 27/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án với tội danh “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; chiếm đoạt bí mật Nhà nước” theo khoản 2 Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Cả 2 vụ án đang được lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Làm lộ, lọt đề thi bị xử lý thế nào?
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Hồ Minh Khánh, Giám đốc hãng luật MKLaw - thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho biết: theo Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, đề thi tốt nghiệp THPT được xếp vào danh mục tài liệu “Tối mật” trong lĩnh vực giáo dục. Việc công bố, phát tán nội dung đề thi khi chưa hết thời hạn bảo mật (2/3 thời gian làm bài với môn tự luận) là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018.
Thí sinh vi phạm sẽ bị đình chỉ thi, hủy kết quả làm bài thi và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính, thậm chí là hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm.
"Dù không có động cơ thương mại hóa hay phá hoại kỳ thi nhưng việc thí sinh N.V.K tại Hà Nội cố tình mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề thi và đăng tải lên ứng dụng AI trong thời gian làm bài vẫn cấu thành hành vi làm lộ bí mật Nhà nước"- luật sư Hồ Minh Khánh nhận định. Với nhận thức pháp luật hạn chế, hành vi này có thể được xác định là lỗi vô ý, phù hợp để xử lý theo Điều 338 Bộ luật Hình sự về tội "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước" với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Trái với trường hợp trên, hành vi của thí sinh N.P.T.S ở Lâm Đồng thể hiện sự chuẩn bị có chủ đích, có kế hoạch sử dụng thiết bị công nghệ cao, thiết lập sẵn liên lạc để quay lén, phát tán đề thi ra ngoài. Đây là hành vi cố ý làm lộ và chiếm đoạt bí mật Nhà nước, thuộc trường hợp nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Dù không trực tiếp tham gia kỳ thi, B.T.Q vẫn tiếp nhận, giải đề và truyền đáp án ngược trở lại phòng thi. Đây là hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như người thực hiện chính, theo nguyên tắc về đồng phạm trong pháp luật hình sự.
“Gian lận thi cử thời công nghệ cao, đặc biệt khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo, đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính công bằng và an toàn của các kỳ thi quốc gia. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát, ứng dụng công nghệ phát hiện thiết bị gian lận, đồng thời tăng cường giáo dục pháp luật và đạo đức thi cử trong học sinh, sinh viên. Việc xử lý nghiêm các vụ việc như thế này là cần thiết để giữ vững kỷ cương, phép nước” - luật sư Hồ Minh Khánh chia sẻ.

Khởi tố vụ án thí sinh dùng camera cúc áo, ChatGPT giải đề thi ngữ văn
Kinhtedothi - Liên quan đến vụ thí sinh sử dụng camera giấu kín và trí tuệ nhân tạo để gian lận trong giờ thi môn ngữ văn, ngày 27/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Chiếm đoạt bí mật Nhà nước” theo quy định tại khoản 2, Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Lâm Đồng: tập huấn phòng ngừa dùng AI gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Ngày 17/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ rõ phương thức, nhận diện thủ đoạn gian lận trong thi cử bằng việc sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.