Gian lận thuế, ODA và cân đối ngân sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội song nền kinh tế nước ta đã gặp không ít khó khăn, các đầu tàu kinh tế suy giảm, giá dầu giảm mạnh làm cân đối ngân sách khó khăn.

Chiều nay 2/11, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch năm 2016 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi tại hội trường.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình, trong thời gian qua, việc kiểm soát đầu tư công, mua sắm công đã được tăng cường song hiệu quả đạt được chưa cao. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ công vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm 61,3% GDP và đặt gánh nặng lớn lên cân đối ngân sách Nhà nước.

ĐB kiến nghị, để tăng cường thu ngân sách cần tăng cường hiệu quả thu từ các loại thuế. Theo ĐB, Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại hiện nay ngày càng gia tăng. Ý thức tham gia nộp thuế của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Người dân chưa thực sự coi đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường
Cụ thể, hệ thống chính sách cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp – đối tượng chính để nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn như giá thuê đất tăng cao, đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. “Nhà nước nợ doanh nghiệp thì không phải trả lại, còn doanh nghiệp nợ Nhà nước phải trả cho ngân hàng. Nếu chậm nộp thuế sẽ bị cưỡng chế. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc giáo dục chính sách thuế và cưỡng chế sử dụng nợ chưa chặt chẽ” – ĐB Quảng Bình nhận định.

Trong khi đó tình trạng gian lận thất thu cũng được ĐB đề cập đến. Đối với chính sách thực hiện thuế VAT, nếu tính sơ bộ hàng năm Nhà nước cũng thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Mỗi năm các hộ gia đình mua bán trung bình lên tới 50 triệu đồng/năm nhưng nhiều giao dịch không có hóa đơn VAT. 

Nhiều doanh nghiệp buôn bán lớn, liên tiếp mở rộng kinh doanh, mở rộng cửa hàng nhưng vẫn trốn thuế như trường hợp của Metro. Bên cạnh đó, chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều lỗ hở, dẫn đến buôn bán hóa đơn, nợ đọng thuế lớn. “Chúng ta đang cho phép thành lập doanh nghiệp quá dễ dãi, doanh nghiệp nợ thuế bị thu hồi hóa đơn vẫn có thể thành lập doanh nghiệp khác”.

ĐB Lê Thị Công – Bà Rịa Vũng Tàu thì cho rằng, việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém như thất thoát, lãng phí, thiếu cạnh tranh. “ODA cũng là vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA có liên quan đến ngân sách, thu hút ODA có tác động đến nợ bên ngoài. Vì thế cần nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, quy hoạch sử dụng ODA trong chiến lược phát triển của bộ, ngành địa phương” ĐB Công cho biết. 

Vị ĐB dẫn chứng, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thay đổi phương án thiết kế, bổ sung thêm một số hạng mục làm tổng vốn dự án bị “đội” lên với chi phí phát sinh “khủng”. Dự án này đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu USD). Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội có dự toán là 783 triệu Euro, trong đó vốn ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng từ ngân sách là 130 triệu Euro. Đến tháng 7/2014, phải bổ sung 393 triệu Euro, trong đó vay thêm 304,99 triệu Euro.

Theo ĐB Lê Thị Công, trong điều kiện thực tế hiện nay, nợ công quốc gia đang gia tăng; chiếm 61,3% GDP, gây tác động lớn đến nền kinh tế và dễ dẫn đến mất kiểm soát trong tương lai gần. Do đó, cần phải triển khai các giải pháp để đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, tránh thất thoát, lãng phí. Theo đề xuất của bà Công, Quốc hội cần có thẩm quyền về việc phân bổ nguồn vốn này như một nguồn vốn của ngân sách theo quy định của luật ngân sách. Cần có quy hoạch sử dụng ODA trong chiến lược phát triển ngành và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Liên quan đến mức độ thâm hụt ngân sách lớn, ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) nhân xét thâm hụt NS và diễn ra đồng thời với mức thâm hụt nặng nề về bản chất, hay còn gọi là “thâm hụt kép” có nguy cơ đẩy lùi tăng trưởng. Do đó, cần cấp thiết đổi mới một cách căn cơ, thực chất, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong công tác điều hành kinh tế.

Việt Nam vẫn tiếp tục là một nền kinh tế gia công với năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp, khu vực kinh tế trong nước ngày càng nhỏ và yếu thế hơn, khu vực kinh tế tư nhân, vẩn chưa thực sự có môi trường thuận lợi để phát triển nhanh khi mà tiếp tục bị khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI chèn lấn chưa tiếp cận được các nguồn lực. Nay ta dường như trở lại tâm thế của thời 2006, tất nhiên thay cho việc gia nhập WTO, giờ là câu chuyện TPP, AEC và nhiều FTA khác. Kịch bản “trượt theo vết xe cũ” vẫn là rất có thể lặp lại”. Rõ ràng, bài học của giai đoạn bất ổn vĩ mô 2007-2011 và của những giai đoạn trước nữa, vẫn còn nguyên giá trị, ĐB Hà Sỹ Đồng cảnh báo.