Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gian nan bảo đảm nước sạch mùa Hè

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến phức tạp của thời tiết khiến công tác bảo đảm nguồn cung nước sạch trong năm 2024, đặc biệt là cao điểm Hè gặp rất nhiều khó khăn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự kiến trong tháng 7, 8/2024, tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ hiện tượng nắng nóng và nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Diễn biến phức tạp của thời tiết khiến công tác bảo đảm nguồn cung nước sạch trong năm 2024, đặc biệt là cao điểm Hè gặp rất nhiều khó khăn.

Thi công mạng cấp nước sạch trên địa bàn xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Ảnh: Kim Nhuệ
Thi công mạng cấp nước sạch trên địa bàn xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Ảnh: Kim Nhuệ

Hàng nghìn người dân đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước mùa Hè năm 2024 là 1.434.000m3/ngày, đêm, tăng 87.000m3/ngày, đêm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch trong năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước rà soát nhu cầu, chuẩn bị các giải pháp điều tiết, duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa những đơn vị cấp nước.

Chất lượng nước sau xử lý phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế… Tuy nhiên, do nguồn cung chưa bảo đảm nên tại một số thời điểm, nguồn cung cấp nước sạch tại Thủ đô dự kiến sẽ thiếu từ 50.000 - 70.000m3/ngày, đêm, tương đương với việc hàng chục ngàn người dân sẽ rơi vào cảnh thiếu nước…

Đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - đơn vị đang cung cấp nước sạch cho 16 quận, huyện trên địa bàn TP với trên 4 triệu dân cho biết, theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước năm 2024 tại các địa bàn đơn vị được giao phụ trách tiếp tục tăng từ 2 - 4% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương mức 750.000 - 780.000m3/ngày, đêm, cao điểm những ngày nắng nóng có thể tăng đến 9%, lên mức 800.000m3/ngày, đêm.

Trong khi đó, các nguồn nước do đơn vị tự sản xuất giảm do ảnh hưởng của sụt giảm nguồn nước ngầm và chất lượng nước. Các nguồn nước cấp vào mạng khác như nước mặt sông Đà, sông Đuống khoảng 740.000m3/ngày, đêm; dự báo nguồn nước sẽ thiếu so với nhu cầu bình quân từ 10.000 - 40.000m3/ngày, đêm, cao điểm có thể thiếu tới 60.000m3/ngày, đêm.

Tình trạng trên sẽ khiến một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước, thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng như: khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ); Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng)…

Đại diện Công ty CP Viwaco - đơn vị cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai nhận định, mùa Hè 2024 sẽ là năm khó khăn trong cấp nước sạch, dự kiến sản lượng nước sạch sẽ thiếu khoảng 10.000m3/ngày, đêm.

Nguyên nhân do Nhà máy nước sông Đà không tăng sản lượng, nhưng phía đầu nguồn sản lượng đã chia sẻ cho các đơn vị cấp nước ở Hoài Đức, Quốc Oai… Bên cạnh đó, lượng nước sông Đuống bổ sung cũng bị san sẻ do Công ty Nước sạch Hà Đông lấy một phần nguồn nước này cấp cho Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) khiến việc cấp nước sạch Hè năm 2024 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng sản lượng các nhà máy nước mặt

 

Khai thác nước ngầm dự phòng chỉ dành riêng cho mùa cao điểm Hè khi nhu cầu tăng đột biến. Khi nào các nhà máy nước mặt được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giảm khai thác nước ngầm -Phó Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du

Theo đại diện lãnh đạo Nhà máy Nước sạch sông Đà, hiện nay, tại thượng lưu sông Đà, dù chưa vào thời kỳ cao điểm của nắng nóng nhưng mực nước sông đã thấp hơn điểm lấy nước đầu vào của nhà máy khoảng 3m. Để khắc phục, công ty đã phải huy động 3 máy bơm công suất lớn để bơm nước vào trong kênh phục vụ việc sản xuất.

Theo ông Trịnh Văn Nam - Giám đốc Nhà máy Nước sạch sông Đà, để đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho Thủ đô, trong mùa Hè năm 2024, công ty sẽ vận hành hết công suất, khoảng 315.000 - 320.000m3/ngày, đêm. Song, để bảo đảm quá trình hoạt động thông suốt, rất cần sự vào của các đơn vị chức năng trong việc điều tiết mực nước của thủy điện Hòa Bình.

Theo ông Lê Văn Du - Phó Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước mùa Hè năm 2024 là 1.434.000m3/ngày, đêm, tăng 87.000 m3/ngày, đêm, lúc cao điểm có thể thiếu từ 50.000 - 70.000m3/ngày, đêm. Khi các nguồn nước mặt không đủ cung ứng cho người dân Thủ đô thì buộc phải sử dụng các nguồn nước ngầm dự phòng.

“Hiện nay, các nhà máy nước ngầm đã thực hiện công tác giảm ngầm 200.000 m3/ngày, đêm so với thiết kế. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong giai đoạn mùa Hè thì TP tiếp tục chỉ đạo khai thác nguồn nước dự phòng này với công suất khoảng 100.000 m3/ngày, đêm” - ông Lê Văn Du cho biết.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, hiện nay, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - đơn vị khai thác nước ngầm lớn nhất Thủ đô (chiếm tỷ lệ gần 80%) đang gấp rút khoan các giếng ngầm mới, cải tạo, bảo đảm chất lượng nước để khai thác thêm từ 10.000 - 50.000 m3/ngày đêm.

“Cơ bản trong mùa Hè tới công ty sẽ cố gắng cam kết bảo đảm cấp nước cho Thủ đô Hà Nội. Nếu xảy ra sự cố sẽ có những giải pháp nhằm khắc phục một cách nhanh nhất, phấn đấu từ 4 - 7 tiếng” - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, việc khai thác nước ngầm là biện pháp không được khuyến khích. Bởi, khai thác nước ngầm bừa bãi sẽ làm cạn kiệt nguồn nước, gây ra sụt lún, sạt lở đất, nhất là các đô thị lớn thường có khu vực khai thác tập trung...

Để khắc phục tình trạng “chớm nắng đã nóng” trong việc bảo đảm nguồn cung nước sạch, các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất của các dự án nhà máy khai thác nước mặt…; đồng thời, xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cho từng khu vực là “điểm nóng” về tình trạng mất nước trong mùa nắng nóng để có những biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm cuộc sống người dân.

 

Nhằm bảo vệ nước ngầm, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 554/QĐ-TTg năm 2021, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Theo đó, TP Hà Nội sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, từng bước giảm dần nước ngầm. Theo lộ trình, việc khai thác nước ngầm mỗi ngày đêm giảm dần từ 770.000m3 như hiện nay xuống 615.000m3 đến năm 2025; đến 2030 còn 504.000m3 và đến 2050 còn 413.000m3.