Di sản bị hư hạiThường xuyên theo dõi truyền hình, hay các đoạn clip (sao chép trái phép) trên mạng xã hội, khán giả có lẽ đều từng một lần thấy hình ảnh trong phim “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”, “Đàn chim trở về”... Hình ảnh trong các thước phim này đều được ví như viên ngọc quý của nền điện ảnh cách mạng. Tuy nhiên, mỗi năm trôi qua, viên ngọc quý này lại thêm phần xước xát, rè rè, giật giật chớp chớp trên ti vi vào những dịp kỷ niệm được phát lại trên truyền hình.
Thực trạng này hiện nay đang phổ biến tại Việt Nam. Theo Trưởng phòng Tư liệu, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương Đặng Thị Kim Sơn: Hiện tại, Hãng đang lưu trữ 11.856 cuốn phim nhựa (35mm - 16mm); 3.085 cuốn băng (VHS, Umatic, Betacam sp, Betacam Digiltal), 676 đĩa DVD. Tính đến 2020, chất lượng tư liệu đang lưu trữ trong kho là rất quan ngại. Cụ thể, về phim nhựa, trong số 11.856 cuốn phim có đến 9.266 cuốn (chiếm 79,06%) chất lượng trung bình; 1.466 cuốn (chiếm 12,50%) chất lượng kém. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi, công tác bảo tồn, gìn giữ tư liệu hiện nay chưa được tốt. Ông Jout Pierre Verscheure là chuyên gia thuộc Trung tâm Phục chế Âm thanh và Hình ảnh của Mons (Bỉ), sang Việt Nam để khảo sát thực tế tình hình lưu trữ, bảo quản và phục chế kho phim nhựa, kho băng đĩa của Hãng đã nhận định: “Kho tư liệu của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương là di sản của thế giới đang có nguy cơ không sử dụng được nếu tình trạng lưu trữ này không được cải thiện thì các cuốn phim lưu trữ mà có tuổi thọ hơn 60 năm, trong tương lai không sẽ hỏng hoàn toàn”.Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến trong hội thảo đều đồng quan điểm: Phim/điện ảnh là di sản văn hóa cần được bảo tồn. “Phim nhựa 35 mm chính là định dạng rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói và cho rằng: “Phim đang “chết” đi và “chết” nhanh hơn chúng ta tưởng”. Theo nữ đạo diễn này, một cái chết vật lý của những cuốn phim chắc chắn sẽ kéo theo những cái chết - sự biến mất của tinh thần và trí tuệ con người.Cuộc chạy đua không hồi kếtĐề cập đến xu thế tất yếu hiện nay là công nghệ điện ảnh kỹ thuật số, Trưởng phòng Tư liệu, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu & Khoa học TW cho rằng, việc chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, về môi trường và thường không bị suy giảm chất lượng; thuận lợi hơn đối với các nhà làm phim và cả với người xem. Nhưng khi lưu trữ với dung lượng phim số lớn, thì vấn đề mới sẽ nảy sinh là việc lưu trữ số cần thận trọng hơn nhất nhiều bản phim nhựa hoặc băng đĩa. Đây cũng là một vấn đề phức tạp cần thực sự được quan tâm, nhất là đối với công việc lưu trữ phim ảnh trong thời gian 100 năm hay hơn nữa”.Vì vậy, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã gọi công cuộc lưu trữ phim là bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam, song đây cũng là câu chuyện kéo dài mà chưa biết khi nào mới có hồi kết. Nữ đạo diễn ví von công cuộc thực hiện lưu trữ, bảo quản và phục chế phim này với cuộc chạy không đích đến của nhân vật điện ảnh nổi tiếng Forrest Gump trong bộ phim kinh điển cùng tên của Hollywood. “Bảo tồn di sản phim không phải là đường đua cự ly ngắn của một vận động viên đơn độc, chạy từ vạch xuất phát về đích như Forrest. Nó là hành trình của người chạy bền bỉ, đáng ngưỡng mộ, là một hành trình không giới hạn và chắc chắn cần có sự giúp sức từ xung quanh” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.Xác định công tác lưu trữ, số hoá điện ảnh là việc làm dài hạn, tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu quan điểm chung, lưu trữ điện ảnh luôn là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước. Hiện tại, với số lượng hàng trăm nghìn cuốn phim nhựa trong các kho phim đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian, thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và tu sửa, phục hồi, rồi lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp... là khổng lồ và vô cùng tốn kém, nhưng đây là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này, để bảo tồn, lưu trữ các kho phim điện ảnh – di sản văn hoá vô giá của dân tộc Việt Nam.