Góp phần không nhỏ vào việc cứu hộ kịp thời loài quý hiếm này phải kể tới tâm huyết và công sức của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Trung tâm).
Đối mặt với hiểm nguyĐêm 6/9, nhận được thông tin cần tiếp nhận, cứu hộ tê tê của Hạt Kiểm Lâm TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), chiếc ô tô 7 chỗ của Trung tâm ngay lập tức lên đường. Xuất phát từ 23 giờ 30 phút, mất 2 tiếng rưỡi mới đến nơi, sau khi khẩn trương kiểm đếm, bàn giao xong số tê tê, xe tiếp nhận của Trung tâm được Hạt kiểm lâm TP Móng Cái cử một đội cơ động hỗ trợ cùng một xe áp tải, tiễn chân đến gần cầu Bạch Đằng.
Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội chuyển giao tê tê cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương). Ảnh: Ánh Ngọc |
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Lương Xuân Hồng kể lại: “Chặng đường gần 100km quanh co, heo hút với hai bên là núi, tối như hũ nút, không bóng người qua lại, thi thoảng mới có xe container chở hàng lên biên giới chạy qua. Tất cả đều không đáng lo ngại, chỉ đến khi xuất hiện một chiếc xe bám theo sau suốt một quãng đường dài, lúc đó mấy anh em mới cảm thấy căng thẳng. Chúng tôi đã lên phương án ứng phó nếu xảy ra tình huống va chạm với các đối tượng cướp giật, tất cả sẽ ngồi yên trên xe, xe của đội kiểm lâm để tiếp tục áp sát bảo vệ và bắn súng chỉ thiên để thị uy, sau đó sẽ gọi lực lượng hỗ trợ”.
Đúng 5 giờ 30 phút, xe về tới trụ sở Trung tâm, mặc dù đã rất mỏi mệt nhưng anh em vẫn cố gắng thả tê tê vào chuồng, kiểm tra và phân loại xong mới thở phào nhẹ nhõm. “Vẫn biết đêm khuya vắng vẻ, đường dài lắm hiểm nguy, song trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi chậm trễ một giờ phút nào. Ruột gan chúng tôi càng nóng như lửa đốt khi sức khỏe tê tê đang rất yếu, nguy cơ bị chết rất cao” – ông Hồng bộc bạch. Theo ông Hồng, đã làm nghề cứu hộ động vật hoang dã thì vất vả là chuyện đương nhiên, nhưng đợt cứu hộ tê tê lần này là vụ “căng” nhất từ trước đến nay. Dày công chăm sócBác sĩ chăn nuôi - thú y Trung tâm Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ, tê tê là loài vật rất nhạy cảm nên khi bị nhồi nhét thức ăn, cơ thể chúng rất yếu. Vì vậy, hàng ngày, phải kiểm tra sức khỏe, phân loại cá thể để có chế độ chăm sóc phù hợp. Trong số 98 cá thể cứu hộ lần này, phần lớn bị tổn thương đường ruột, một số cá thể bị mất nước bỏ ăn, một số bị stress do tác động của môi trường thay đổi. Sau 7 ngày được truyền nước và uống thuốc, tê tê sẽ đào thải hết các thức ăn cũ bị nhồi nhét và dần phục hồi. Sau 10 ngày, nếu tê tê vượt qua được thì khả năng phục hồi hoàn toàn rất cao. Riêng, đối với những cá thể bị viêm loét ruột phải điều trị mất một tháng mới bình phục và ăn, uống bình thường được.Ngay khi tiếp nhận tê tê, Trung tâm đã thành lập Ban chăm sóc đặc biệt với 9 thành viên thay phiên nhau túc trực, kiểm tra, theo dõi chúng ăn, uống, vận động, biểu hiện stress, dấu hiệu bất thường để sơ cấp cứu kịp thời. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình cứu hộ tê tê, bác sĩ Hằng cho hay, trước đây do chưa có kinh nghiệm nên việc chăm sóc tê tê gặp nhiều trở ngại, nhưng hiện tại Trung tâm đã tự tin hơn vì có sự hỗ trợ từ các Trung tâm chuyên về cứu hộ tê tê khác. Cứu sống được tê tê đã khó nhưng nuôi dưỡng chúng khỏe mạnh còn khó hơn nhiều lần. Do thức ăn của tê tê là trứng kiến nên Trung tâm phải nhập mua từ nơi khác hoặc tự phối trộn thức ăn từ trứng kiến với đậu tương để khẩu phần ăn của chúng luôn được đảm bảo.Sau 8 ngày điều trị tích cực, ngày 14/9, Trung tâm chuyển giao 73 cá thể tê tê cho Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Đến thời điểm này, sức khỏe của các cá thể tê tê đã phục hồi hoàn toàn, có thể tái thả về thiên nhiên (với điều kiện đầy đủ về thủ tục pháp lý theo đúng quy định).
98 cá thể Tê tê Java được Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận, cứu hộ tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là kết quả của Chuyên án 818M Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. |