Gian nan mở rộng độ phủ của bảo hiểm xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới bao phủ được trên 1/5 lực lượng lao động, như vậy còn gần 80% số người trong độ tuổi lao động nằm ngoài hệ thống này.

Tại buổi“Đối thoại chính sách hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận - minh bạch - bền vững” diễn ra sáng 17/9, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị những giải pháp nhằm tăng độ phủ BHXH.

Lao động phi chính thức khó tiếp cận BHXH

Thông tin tổng quan về hệ thống an sinh xã hội và BHXH tại Việt Nam, bà Đoàn Thị Thu Hương - giảng viên khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính cho biết: Tuy đối tượng tham gia BHXH gia tăng đáng kể, nhưng diện bao phủ vẫn ở mức thấp, đến năm 2014 mới đạt 21,4%. Hiện nay, BHXH bắt buộc mới đạt 70% đối tượng thuộc diện này tham gia, BHXH tự nguyện mới đạt 5% lực lượng lao động. Để đạt mục tiêu BHXH bao phủ 50% lực lượng lao động vào năm 2020 đã đề ra thực sự là thách thức lớn đối với BHXH Việt Nam. “Tồn tại này là do việc hoạch định chính sách về BHXH chưa phù hợp, người lao động khó tiếp cận BHXH hay mô hình hoạt động BHXH chưa phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường?”- bà Hương đặt câu hỏi.
Người lao động ngoại tỉnh làm việc tại khu phố cổ Hà Nội.    Ảnh: Phạm Hùng
Người lao động ngoại tỉnh làm việc tại khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH đưa ra 3 thách thức khi thực hiện BHXH đối với lao động trong khu vực phi chính thức. Đó là thu nhập thấp và không ổn định; Việc thiết kế của hệ thống an sinh xã hội chưa ổn; Sự quan tâm và hiểu biết của người lao động về BHXH còn hạn hẹp. Cũng theo bà Nga, lao động phi chính thức chưa tham gia nhiều vào hệ thống BHXH là bởi: “Thời gian qua công tác truyền thông của BHXH Việt Nam chưa tốt vì loại hình BHXH tự nguyện mới được thực hiện khoảng 6 năm. Rõ ràng cách tiếp cận của chúng ta chưa đúng, chưa thực sự phù hợp với người lao động”. Ngoài ra, các quy định của pháp luật, BHXH còn một số tồn tại. Hiện nay nhiều lao động đã làm việc với DN nhưng không được tham gia BHXH, bởi luật quy định hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên mới thuộc diện tham gia BHXH. Và nhiều DN lách bằng cách ký hợp đồng lao động 2 tháng, 2, 5 tháng.

Cải cách ngay từ bây giờ

Để tăng độ phủ của BHXH lên 50% vào năm 2020, Luật BHXH 2014 đã sửa đổi đưa ra một số giải pháp. Chẳng hạn như, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng, cụ thể mức sàn đóng BHXH tự nguyện bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn để người lao động có nhiều cơ hội tham gia. Hơn nữa, phương thức đóng cũng linh hoạt hơn. Ví dụ, trước đây quy định đóng hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng 1 lần thì giờ mở ra phương thức đóng 1 năm 1 lần. Ngoài ra, Luật BHXH 2014 quy định hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, nói về chính sách BHXH hiện tại, TS Nguyễn Nguyệt Nga - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có quan điểm: “Với các chính sách hiện tại, hệ thống hưu trí ở Việt Nam là không bền vững và phải cải cách ngay từ bây giờ”. Do đó, theo bà Nga để hướng tới một hệ thống BHXH bền vững, cần có một lộ trình cải cách BHXH. Bà Nga cung cấp một số thông tin về thực hiện BHXH đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hiện mức chi BHXH và tỷ lệ tăng hằng năm áp dụng tại Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, nhất là với nữ. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trên thế giới là 1,7% và khu vực đông Á - Thái Bình Dương là 1,8%. Nhiều nước tăng tuổi nghỉ hưu do tuổi thọ trung bình tăng và quy định tuổi nghỉ hưu giống nhau cho cả nam và nữ. Cách làm này cũng tạo điều kiện cho nữ được hưởng lương hưu cao. Các nước phát triển và đang phát triển đều theo hướng tăng dần thời gian tính lương tiến tới áp dụng mức lương trung bình trong toàn bộ thời gian công tác. Đối với các nghề đặc biệt, hầu hết các nước, kể cả các nước đang chuyển đổi, không áp dụng phương pháp ưu đãi về chế độ và điều kiện hưởng đối với một số nghề (khai thác mỏ, công an, người có công), hoặc cắt giảm mạnh diện hưởng bằng một số quy định đặc biệt.

Có lẽ, một nguyên nhân khiến nhiều lao động ở khu vực phi chính thức khó tham gia BHXH tự nguyện là bởi tính minh bạch trong đầu tư quỹ BHXH. Bởi vậy, một đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, việc đầu tư quỹ cần thực sự an toàn và công khai cho người lao động biết cách đầu tư để họ an tâm tham gia BHXH tự nguyện.
“Tôi đề nghị mở rộng chế độ BHXH tự nguyện để người lao động phi chính thức tham gia được bình đẳng về quyền lợi như lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trước mắt có thể bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện thu hút lao động nữ tham gia loại hình BHXH này”.
PGS.TS Lê Thị Hoài Thu Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển