Gian nan thu hồi nợ thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, hơn 11.000 tỷ đồng nợ thuế của 600 DN lớn đến cuối tháng 9 mới chỉ thu hồi được chưa đến 20%.

Con số này cho thấy, việc thu hồi nợ thuế để tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn hết sức gian nan.

Nhiều doanh nghiệp “thi gan”

Báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, tính đến 30/9, tổng số tiền nợ của toàn ngành thuế là 76.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với thời điểm cuối năm 2014. Đối với 600 DN nợ thuế lớn được công khai từ đầu tháng 7, con số nợ thu hồi cũng khá khiêm tốn. Đến đầu tháng 10, cơ quan thuế mới thu hồi được 2.200 tỷ đồng nợ thuế của 600 DN này. Cụ thể, số nợ của 200 DN trên địa bàn Hà Nội là hơn 4.600 tỷ đồng và 200 DN tại TP Hồ Chí Minh là trên 3.500 tỷ đồng. Do đó, Tổng cục Thuế đang yêu cầu các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quyết liệt áp dụng các biện pháp thu nợ theo đúng quy trình quản lý để thu hồi những khoản nợ còn lại.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó thu hồi nợ là do ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của nhiều DN còn hạn chế nên chây ì, để nợ thuế kéo dài. Thậm chí, nhiều trường hợp được hỗ trợ giãn, giảm... do tình hình kinh tế khó khăn nhưng khi có nguồn lại cố tình trốn tránh. “Số nợ đã thu hồi so với tổng số nợ 11.200 tỷ đồng của số DN trên mới chiếm khoảng 19,6%. Con số thu hồi nợ chưa đạt như mong muốn”- ông Trí nhấn mạnh.

Tiếp tục công khai các doanh nghiệp nợ thuế

Hiện, các địa phương cũng đang tích cực triển khai các nhóm giải pháp thuế để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2015. Cụ thể, Cục Thuế Hà Nội đặc biệt quan tâm nhóm giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Theo đó, cơ quan này sẽ có biện pháp kiên quyết trong quản lý nợ, nhất là đối với những DN chây ì, không hợp tác, không thu xếp nộp tiền nợ thuế. Cục Thuế TP Hà Nội khuyến cáo các chủ dự án, DN còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế cần thu xếp nguồn tài chính và khẩn trương nộp nợ vào NSNN trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn. Trước đó, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai đợt 4 năm 2015 danh sách 89 đơn vị nợ thuế đến 31/8 với tổng số tiền nợ 311,683 tỷ đồng.

Thời gian tới, để tăng cường các biện pháp thu hồi nợ thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ì, không nộp tiền thuế đúng thời hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Cơ quan thuế cũng sẽ lựa chọn các trường hợp nợ thuế lớn thuộc diện công khai thông tin theo quy định của pháp luật, bao gồm các trường hợp nợ khoản thu liên quan đến đất đai để thực hiện cưỡng chế.

Để các cấp, các ngành cùng vào cuộc, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành trên cùng địa bàn như Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư… phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN; có cơ chế khen thưởng, động viên đối với tổ chức, cá nhân có thành tích, phối hợp tốt với cơ quan thuế trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế. Các địa phương cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời đôn đốc các khoản tiền nợ thuế, hạn chế tình trạng khi cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra mới phát hiện số tiền thuế ẩn lậu, nợ đọng đã phát sinh.