Gian nan Thừa phát lại đến với người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn Hà Nội đã được hơn 1 năm và sẽ được Quốc hội quyết định tiếp tục hay dừng vào kỳ họp cuối năm 2015 này.

Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn Hà Nội đã được hơn 1 năm và sẽ được Quốc hội quyết định tiếp tục hay dừng vào kỳ họp cuối năm 2015 này. Với sự cố gắng khẳng định mình của các Văn phòng TPL trong suốt thời gian qua đã mang lại kết quả. Từ chỗ “Thừa phát lại” còn là cụm từ lạ lẫm thì nay đã có nhiều người dân Thủ đô tìm đến với dịch vụ này.

Vào khoảng tháng 4/2014, khi Văn phòng TPL Ba Đình - Văn phòng TPL đầu tiên của Hà Nội khai trương và chính thức đi vào hoạt động, không ít người dân khi nhìn những băng zôn, biển hiệu được trưng bày rực rỡ ấn tượng đã tò mò dừng lại hỏi xem TPL là gì? Nhiều người thắc mắc vì sao phải xây dựng thêm TPL khi hầu hết các công việc TPL được làm đều đang do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Có ý kiến còn cho rằng TPL là dịch vụ tư, sử dụng phải mất tiền nên không mấy hào hứng. Cũng có người, nhất là những người trẻ nói không hiểu TPL là cái gì?
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, Hà Nội.
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Văn Trọng
Là loại hình dịch vụ pháp lý mới nên những công việc do TPL thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Đối với việc tổ chức thi hành án, dù xác định đây là nhóm việc giữ vai trò quyết định trong đánh giá thành công của chế định TPL nhưng việc triển khai cũng gặp rất nhiều trở ngại. Theo ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình, thời gian thí điểm không nhiều mà việc thi hành án thực tế tại các cơ quan THADS thường kéo dài, đặc biệt là những vụ phải xử lý bán đấu giá tài sản thường mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài nhiều năm. Bởi thế nhiều người dân khi tìm hiểu dịch vụ này đều có chung băn khoăn, nếu hết thời gian thí điểm mà TPL chưa thi hành xong thì việc của họ sẽ được giải quyết tiếp như thế nào? Ngay cả những việc cơ quan THADS đang thi hành, đã quá lâu nhưng không có kết quả, người dân cũng rất ngần ngại khi quyết định chuyển sang cho TPL. Vì muốn chuyển, họ phải rút đơn yêu cầu và cơ quan THADS phải ra Quyết định đình chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn cơ hội quay trở lại khi TPL hết thời gian thí điểm.  

Không chỉ mới mẻ với người dân mà với nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước, trong đó có cả các cơ quan có quan hệ phối hợp cũng như hỗ trợ cho TPL, cái tên TPL cũng hết sức xa lạ. Nhiều TPL cho biết, trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ TPL của các cơ quan liên quan đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Trung ương và Thành phố nhưng thực tế không phải cơ quan, tổ chức nào cũng sẵn sàng hợp tác với TPL. “Không ít trường hợp UBND phường, CA phường từ chối yêu cầu xác minh của TPL hoặc “làm khó” cho TPL bằng cách hẹn nay, hẹn mai cả tháng trời mà vẫn chưa cung cấp kết quả chính thức. Trong khi yêu cầu xác minh của TPL trong trường hợp cụ thể này không có gì quá khó khăn”, ông Lạng nói.

Cùng chung nỗi niềm, Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông Bùi Trọng Hào chia sẻ, có trường hợp Văn phòng mấy lần gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin nhưng không nhận được thông tin trả lời. Thậm chí có trường hợp cơ quan, tổ chức còn “thẳng thừng” khẳng định yêu cầu cung cấp thông tin của TPL là không có căn cứ pháp lý vì TPL không phải là cơ quan Nhà nước. Việc trả lời kết quả xác minh của một số cơ quan, tổ chức cũng không có dấu xác nhận dẫn đến khó khăn cho Văn phòng trong việc trả lời kết quả xác minh cho khách hàng.

Trước thực tế này, đại diện nhiều cơ quan liên quan như Tòa án, CA, THADS thừa nhận, nhận thức của một số cán bộ, công chức về TPL vẫn chưa đầy đủ. 

Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng cho biết, trước đây, Thẩm phán, Thư ký Tòa án rất e ngại khi chuyển giao văn bản của Tòa án cho TPL tống đạt vì “lo” TPL hoặc Thư ký TPL không trực tiếp xây dựng hồ sơ vụ án nên sẽ gặp khó khăn trong việc tống đạt các văn bản tố tụng, làm việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Pháp luật hiện hành lại chưa quy định Thẩm phán xét xử hay TPL sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bản án bị hủy do TPL không thực hiện việc tống đạt hoặc tống đạt các văn bản tố tụng không đúng quy định của pháp luật tố tụng, hoặc chậm trễ trong việc tống đạt. Việc phối hợp, hỗ trợ cho các Văn phòng TPL có lúc, có nơi chưa nhuần nhuyễn, kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc. 

Vì những lý do trên mà hành trình gia nhập thị trường dịch vụ pháp lý Thủ đô của TPL càng thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những gian nan ngày đầu trên con đường “thí điểm” thì giờ đây TPL cũng đã gặt hái được thành công dân khi đã có đến 58% người dân trên địa bàn Hà Nội  biết về chế định TPL.

Theo lịch sử, chế định TPL có ở Việt Nam từ trước năm 1954, thế nhưng trong khoảng 60 năm sau đó khái niệm này ít được sử dụng và phải đến vài năm gần đây cụm từ "Thừa phát lại" mới xuất hiện trở lại. Đây là mô hình pháp lý hữu ích và văn minh trong đời sống xã hội đã rất phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Hơn lúc nào hết giờ đấy nó cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được khái niệm, vị trí, vai trò của TPL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần