Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gian nan trên những chuyến tàu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi về quê ăn Tết, lượng hành khách trở lại Hà Nội tăng đột biến khiến các bến tàu, bến xe quá tải. Dẫu mua được vé, hành khách cũng gặp không ít khó khăn, nhọc nhằn trong chuyện đi lại.

Mệt mỏi chờ… tàu chậm

Nếu như mua vé tàu xe là hành trình gian nan, thì việc ngồi chờ tàu chậm giờ cũng đoạn trường khổ ải không kém. Mỗi ngày, Ga Vinh đón hàng chục chuyến tàu đến rồi đi, nên chúng tôi chứng kiến hàng trăm, ngàn lượt hành khách nằm, ngồi la liệt khắp sân ga để chờ tàu. Các em bé được bố mẹ bồng ngủ trên tay, hoặc trải chiếu nằm ngay giữa sân ga. Chuyến tàu nào cũng bị chậm từ 30 phút đến 2 tiếng so với thời gian ghi trên vé. Mua được vé tàu Thống nhất TN4 khởi hành lúc 0 giờ 14 phút sáng mùng 8 tháng Giêng (tức 17/2) từ Vinh ra Hà Nội, gia đình tôi cũng phải chờ tàu đến 1 tiếng 30 phút.
Gian nan trên những chuyến tàu - Ảnh 1
 
Hành khách trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết tại Ga Hà Nội.Ảnh: Đức San
 
Nếu như sáng mùng 9 tháng Giêng (18/2), các cán bộ công nhân viên đã nườm nượp đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài ngày thì gia đình anh Lê Quang Ngọc (quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) vẫn còn ở trên tàu. Gia đình anh Ngọc mua vé tàu Thống nhất TN6, khởi hành lúc 1 giờ 50 phút sáng 18/2 từ Vinh ra Hà Nội. Vì sống cách TP Vinh 60km nên gia đình anh bắt xe đến ga sớm, không ngờ tàu quá chậm khiến cả gia đình phải ngồi chờ tàu trên sân ga. Đến 3 giờ 20 phút, đoàn tàu mới về đến Ga Vinh và sau đó tiếp tục hành trình ra Hà Nội. Và phải đến 10 giờ trưa 18/2, gia đình anh Ngọc mới về đến nhà, không kịp đi làm vào buổi sáng, chưa kể trắng đêm trên sân ga chờ tàu.

Cảnh tàu chậm giờ liên tục diễn ra trong nhiều ngày qua, và thường xuyên tái diễn vào dịp Tết do sự quá tải của ngành đường sắt trong nỗ lực giúp hành khách đi lại thuận lợi. Đôi khi những sự cố của đoàn tàu này cũng khiến lịch trình của các chuyến tàu khác bị chậm lại.

Hành trình gian nan

Ngoài những mệt mỏi, gian nan khi xếp hàng mua vé, chờ tàu chậm giờ, các hành khách còn gặp những khổ ải ngay trong chuyến hành trình của mình. Khi các đoàn tàu vào đến sân ga, các hành khách vội vàng tỏa lên các toa, tìm chỗ của mình sau hành trình chờ tàu mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng mua được chỗ ngồi, chỗ nằm trên các toa tàu, mà chỉ mua được ghế phụ. Đây là loại ghế được nhà ga bán thêm sau khi đã hết vé chính. Khi lên tàu, hành khách mua vé ghế phụ được phát một chiếc ghế nhựa nhỏ, tùy nghi di tản trong toa được ghi trên vé. Các hành khách này chủ yếu ngồi ngay trên lối đi lại giữa tàu. Tuy nhiên, mỗi khi có xe chở đồ bán hàng đi qua, họ phải nhổm dậy xách ghế vào gần nhà vệ sinh hoặc chỗ nối giữa hai toa tàu, nhường lối đi lại cho xe bán hàng. Việc phải thường xuyên di chuyển khi tàu đang chạy là nỗi khổ lớn nhất của những hành khách đi chặng đường dài mua phải ghế phụ.

Đi cùng chuyến tàu chúng tôi, chị Nguyễn Như Quỳnh (quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế) kể, chị chỉ mua được ghế phụ, trong khi có 2 con nhỏ đi cùng. "Đến giờ ăn, 3 mẹ con vừa bưng khay cơm, vừa phải xách ghế tránh xe, tránh người đi qua lại, mắt vừa dáo dác để ý đến đống đồ. Ban đêm, chúng tôi phải trải chiếu ra một góc gần nhà vệ sinh để nghỉ ngơi, bởi không phải ai cũng có thể "xí" được một chỗ yên ổn trên tàu". Khi qua lại giữa các toa, phải thật cẩn thận, chúng tôi mới không giẫm lên tay chân, tóc tai của các hành khách này. Có những người không chịu được cảnh mệt nhọc trên tàu, phải chi thêm tiền, mua giường nằm của các nhân viên soát vé, lấy chỗ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, số lượng giường nằm của nhân viên hạn chế, chỉ bán ra một phần, nên không phải ai có tiền cũng có thể mua được một chỗ ưng ý.

Với gia đình tôi, quãng đường từ Nghệ An ra Hà Nội chỉ 300km mà dài dằng dặc. Vậy mà hàng trăm, hàng ngàn hành khách ăn ngủ trên sàn tàu suốt chặng đường dài cả ngàn cây số, thật gian nan!