Bài 1: Đặc trưng văn hóa Việt
Tết đến, Xuân về, khi cành đào chớm nở, nồi bánh chưng tỏa hương thơm, câu đối treo trang trọng thì phong bao lì xì đỏ trên tay của những đứa trẻ hồn nhiên làm cho không khí ngày Xuân thêm tươi vui. Giống như nhiều nước Á Đông, người dân Việt Nam rất coi trọng lì xì lấy may đầu năm. Tuy nhiên, hiện nay việc lì xì đang bị lạm dụng bởi nhiều người chưa hiểu đúng về phong tục này.
Tục lì xì là của Việt NamTheo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Tục lệ phong bao (mừng tuổi, mở hàng…) đã có từ thời thượng cổ. Tục lệ này được đồng hóa với những nghi lễ theo mùa, nhằm tranh thủ sự bảo trợ của các thánh thần, vua chúa cũng như các nhân vật có uy quyền trên thế gian này. Khi cha mẹ hoặc người trên mở hàng, phong bao cho con cái hay cho người dưới thì bao giờ món quà cũng tượng trưng cho lời chúc sự sung túc, thịnh vượng. Nếu dâng lễ vật đồng nghĩa với lời cầu khẩn, thì tặng quà mở hàng là một lời hứa hẹn”.
|
Lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam. |
Đêm Giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc mọi người bắt đầu được gửi và nhận những phong bao lì xì. Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...
Trước ý kiến cho rằng, phong bao lì xì và tục tặng lì xì đầu năm của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc, TS Lê Hồng lý giải: “Tục tặng lì xì không bắt nguồn từ Trung Quốc vì có thể thấy tuy tên gọi Tết là của Trung Quốc nhưng nội hàm lại thuần Việt.
12 cái Tết Việt Nam đang dùng có tên của Trung Quốc nhưng đều được Việt hóa cả. Các phong tục trong đó có phong tục ngày Tết Nguyên đán được Việt hóa không phải của Trung Quốc. Chữ lì xì là của người miền Nam Việt Nam gọi còn các cụ xưa chỉ gọi đơn giản là tục mừng tuổi cho trẻ em và người già nhân dịp Tết. Vì vậy phong tục này là phong tục của người Việt. Xuất phát từ khát vọng, trong giao tiếp của người Việt”.
Đồng quan điểm với GS Lê Hồng Lý, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ lý giải, gốc tích của nó có từ trong lòng xã hội, trong lòng văn hóa nguyên thủy. Lúc đó con người sống thành các nhóm nhỏ và dần dần kết hợp thành các thị tộc, hoạt động kiếm sống của họ chủ yếu là săn bắt hái lượm và nông nghiệp sơ khai. Cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, rất bấp bênh, may rủi.
Tư duy, cách nghĩ của họ khác hẳn tư duy của chúng ta bây giờ, giới khoa học gọi đó là tư duy huyền hoặc. Những người lớn đi kiếm ăn, tất cả các thành quả đó, đem về chia đều cho mọi thành viên, mọi gia đình trong thị tộc để nuôi sống toàn bộ cộng đồng, tao nên sự bình đẳng sơ khai về thụ hưởng kết quả.
Từ tặng quà sang tặng tiền lì xìTừ khi chiếc xì lì xuất hiện không ai quy định phải mừng bao nhiêu tiền vì quan niệm dân gian tiền mừng tuổi là tiền lộc, tượng trưng. TS Nguyễn Thị Hồng - chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết chỉ sau này, cuộc sống càng phát triển, người Việt bắt đầu có ý tưởng mới, không phải là tặng quà nữa mà là tặng tiền lì xì. Chính là những đồng tiền được đặt trong phong bao rất đẹp màu đỏ rực, đường nét tươi thắm rực rỡ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, người già sống lâu trăm tuổi.
Phong tục lì xì ngày Tết với nhiều ý nghĩa như vậy song nó đã có những biến đổi và sự chi phối khác nhau trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhiều người coi lì xì tết của con mình hay chính của bản thân là một “nguồn thu hợp pháp” và đặt vào đó sự cân - đong - đo - đếm giá trị đồng tiền. Nhiều người đã biến chuyện lì xì thành văn hóa “phong bì” để mong thăng quan, tiến chức, để nhẹ nhàng trong quan hệ xã hội làm ăn. Chính thói thực dụng của người lớn đã vô tình lây sang con trẻ và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tục lì xì.
Tất cả những điều đó cho thấy tục mừng tuổi đầu năm đang bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp như xưa. Một đứa trẻ khi được mừng tuổi, sau tiếng cảm ơn không còn là niềm vui sướng đi khoe vì may mắn nhận lì xì mà vội vàng kiểm tra xem bên trong có bao nhiêu tiền.
Cận Tết, trên các diễn đàn có nhiều câu chuyện được chia sẻ về vấn đề lì xì đầu năm. Nhiều bạn đều có chung một băn khoăn, thắc mắc bây giờ “Lì xì đầu năm bao nhiêu cho đủ?” bởi mọi năm dù đã mừng tuổi 50.000 đồng nhưng vẫn bị họ hàng đánh giá là “mừng tuổi quá ít”. Ngoài ra, trên nhiều diễn đàn cũng đăng tải những hình ảnh các bạn trẻ xin tư vấn “Tết này thu chi bao nhiêu”, “mừng tuổi như thế nào”, “đổi tiền mừng tuổi”. Một câu hỏi được đặt ra là việc mừng tuổi, tặng lì xì đầu năm có còn như xưa hay đã bị biến tướng, mang nặng tính kinh tế. Bàn luận về vấn đề này, nhiều người bày tỏ thực sự buồn khi thấy nét đẹp văn hóa đang dần bị sai khác nhưng không thể phủ nhận đó là thực tế hiện nay.
TS Nguyễn Thị Hồng dẫn chứng hình thức tặng lì xì của thời xưa và nay cũng đã có sự khác biệt bởi: “Ngày xưa người ta tặng lì xì không phải là tặng tiền mà tặng một món quà nào đấy vì xa xưa các cụ không có tiền nên chỉ có món quà nhỏ để tặng cho trẻ con với mong muốn trẻ con hay ăn chóng lớn, tặng người già theo nghĩa chúc tuổi người già. Nên xưa mới có câu “trẻ được bát canh già được manh áo mới”.
Nhưng hiện nay tục lì xì bị biến tướng nhiều, mọi người lợi dụng nó để đạt được một nhu cầu về mặt vật chất, có người về mặt thăng quan tiến chức... Tóm lại đây là những hoạt động không còn thuần nhất nữa” - TS Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.
Tuy nhiên, không thể vì biến tướng mà xóa bỏ mỹ tục đầu Xuân đã có từ ngàn đời. Bởi vì sự hiện diện của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cùng với những xấp phong bao lì xì báo hiệu niềm vui của ngày Tết Nguyên đán đã về. Tục lì xì hay mừng tuổi được mọi người dân Việt Nam rất coi trọng bởi đó là nét đẹp truyền thống đáng được gìn giữ và lưu truyền. Do vậy, chúng ta cần hiểu đúng, thực hiện đúng thì việc lì xì đầu năm mới mang lại ý nghĩa tốt đẹp như đúng những gì ông cha ta đã mong ước.
(Còn nữa)"Tục lì xì đầu năm của người Việt Nam đã có từ ngàn năm chứ không phải bây giờ mới có. Không chỉ tặng lì xì mùng 1 mà cả nùng 2, 3 và thậm chí là trong dịp Tết chỉ cần gặp mặt nhau cũng có thể trao phong bao lì xì. Những đồng tiền trong phong bao lì xì được gọi là đồng tiền may mắn, là phúc lộc đầu năm. Bên cạnh đó, lì xì con mang niềm tin và hy vọng. Những người được nhận lì xì luôn tin rằng mình sẽ có một năm thật nhiều may mắn với khởi đầu tài lộc, sẽ “thuận buồn xuôi gió” cả năm." - Chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - TS Nguyễn Thị Hồng
"Ngày trước, đến Tết, người ta hái quả vườn tặng nhau, rồi đến “Có một cơi trầu thưa với cụ / Xin đôi câu đối để thờ ông”. Đó là thời phong kiến. Quà bấy giờ đã rất phong phú như bánh kẹo thực phẩm, tranh ảnh câu đối, vải vóc trang phục, thuốc bổ cây hoa…và dần dần, để tiện lợi, người ta dùng trang sức và tiền bạc - vật ngang giá. Xã hội hiện đại, có cả một thị trường hàng Tết, thị trường quà tặng Tết muôn màu muôn vẻ, thay thế dần phong cách quà tặng kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc cổ truyền. Tôi thì hay dùng tiền mới mở hàng cho trẻ nhỏ, biếu mừng sức khỏe cho người già, dùng báo Tết, lịch Tết, rượu mơ và trà Thái nguyên làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Nửa cổ nửa kim. Nhưng rõ ràng ở thời nào cũng vậy, thông điệp bền vững nhất, luôn luôn hiển lộ của quà Tết là lòng vị tha, tính cộng đồng, đức từ thiện và kỳ vọng tốt đẹp." - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ |