[Giằng co văn hóa thi cử xưa và nay] Bài 2: Học để... thi

Nam Du - Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học hành, thi cử luôn là chặng đường dài đầy căng thẳng, áp lực mà không phải bất cứ ai đi trên con đường ấy cũng nhận về mình trái ngọt hoặc mùa vàng. Sự kỳ vọng, những lời khen chê, câu hỏi thăm hoặc tiếng thở dài của bố mẹ… bỗng chốc có thể trở thành áp lực với con cái trong suốt mùa thi và suốt cả quãng đường học tập. Bao câu chuyện buồn đã được gợi lên sau mỗi mùa thi nhưng bệnh thành tích và câu hỏi học để làm người hay học để thi vẫn là trăn trở của bao phụ huynh và học sinh.

Áp lực vô hình

Vừa bước vào lớp 1, Nguyễn Hải Phong, học sinh một trường điểm công lập tại quận Hoàng Mai đã có những “hạnh phúc nặng nề”: Hạnh phúc khi được khen là cậu bé thông minh, có tố chất, vì được tham gia rất nhiều kỳ thi mà cuộc thi nào cũng giành huy chương. Nhưng nặng nề ở chỗ, hết cuộc thi này lại gối đầu cuộc thi khác, cuộc thi trước đạt Huy chương Vàng thì kỳ thi sau không thể đạt Huy chương Bạc. Mà thành tích cao thì không dưng tự đến mà cậu bé thực sự phải “học ngày cày đêm”.
Ngoài Toán, cậu còn học Tiếng Anh và phải “cày” thêm đề hay, sách tốt. Nhờ có mẹ tìm hiểu và đăng ký, cậu được tham gia nhiều buổi livestream dạy học của các thầy cô giỏi ở khắp Hà Nội. Mới lớp 1, cậu đã rất ít có thời gian chơi và không còn có cảm giác thích chơi. Đổi lại, bố mẹ cậu nhận được nhiều lời khen của mọi người về một đứa con học giỏi hiếm có.
 Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.  Ảnh: Thanh Tùng
Nguyễn Mạnh Huy, quận Thanh Xuân đang trong chuỗi ngày liên tiếp nhận kết quả tuyển sinh vào các trường chất lượng cao và tiếp tục ôn thi vào lớp 6 trường chuyên. Cậu học giỏi toàn diện, từ Toán, Tiếng Anh đến Tiếng Việt bởi theo tiêu chuẩn của mẹ thì “Đi thi Toán và Tiếng Anh không chấp nhận sai số 0,5 so với điểm tuyệt đối còn Tiếng Việt phải “xịn” như dân “chuyên Văn”. Kết quả thi vào các trường, điểm Toán và Tiếng Anh của Huy đều đạt 9,5 đến 9,75 và điểm này được mẹ nhận xét là “điểm khá”, nghĩa là chưa thật sự hài lòng.

“Năm nay em thi gần 10 trường, cả trường chất lượng cao, trường quốc tế và trường dân lập. Trước đó, em tham gia đủ mặt tại các cuộc thi Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Tin học. Hiện tại, dù thi trường nào cũng đỗ nhưng em vẫn tiếp tục chinh phục thêm vài mục tiêu nữa. Mong muốn của em là đạt điểm 10 Toán và Tiếng Anh để mẹ vui, nếu đạt Thủ khoa hoặc Á khoa thì càng tốt” - Mạnh Huy bộc bạch. Lý giải về việc hay “chê” con, mẹ của Huy chia sẻ: “Ai cũng khen con mình giỏi, con là tấm gương của con đồng nghiệp mình. Việc động viên con cố gắng để đạt điểm cao bằng cách “chê” nhiều lúc mang lại động lực để con học tập chăm chỉ, nghiêm túc. Lời chê nhiều lúc có giá trị hơn một câu khen. “Chê” gần như là một thói quen của mẹ”.

Không cho phép con thất bại

Bố mẹ cho đi học thêm ở nhiều nơi với giao hẹn “phải thi đỗ”. Nói là cho con lựa chọn nhưng Trần Duy Hải (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không được quyền nói lên ý kiến mà buộc phải đi học và buộc phải đỗ. Học lớp 9 tại một trường có tiếng, cả nhà đều hy vọng Hải sẽ thi đỗ trường chuyên. Con đường học thênh thang nhưng mệt mỏi, nhất là giai đoạn ôn thi cuối cấp. Không tối nào Hải ở nhà; không cuối tuần nào Hải được nghỉ ngơi và cũng không có thời gian tự học, tất cả là đi học ôn hết “lò” nọ đến “lò” kia. Hải nén tiếng thở dài và không dám kêu ca với mẹ bởi trước mắt cậu là sự kỳ vọng quá lớn của người thân. Kỳ thi vào chuyên Hóa, Hải thiếu 0,2 điểm và lặng lẽ ngồi lau nước mắt. May mắn, sau khi xin phúc khảo, Hải được lên điểm bài thi và đỗ vào trường chuyên. Cậu lại khóc vì vui, và quan trọng hơn là mẹ cậu không còn cảm giác xấu hổ khi con trượt.

Nhớ hồi đầu tháng 5/2021, chỉ còn hơn 1 tháng là bước vào các kỳ thi lớp 6 nhưng chị Đỗ Hoài Anh, quận Hà Đông vẫn đăng ký, nộp tiền cho con trai học thêm liền 3 môn của 3 thầy cô uy tín với mong muốn con đỗ lớp 6 trường chất lượng cao. Mỗi môn học tại một địa điểm cách xa nhau khiến cả mẹ cả con phải xoay như chong chóng vì ôn luyện. Khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, các lớp học chính, học thêm chuyển hết sang học online nên con chị ngồi ôm máy tính từ sáng đến đêm để học. Nhớ lại dạo đó, đặt lưng xuống ngủ là con trai nói mê sảng toàn về nội dung các môn học. Dù rất lo lắng nhưng chuẩn bị các kỳ thi nên tôi vẫn liên tục động viên con cố gắng, ôn thi đến hết chặng đường vì bỏ dở thì bao công sức của mẹ lẫn con trở thành công cốc.

Không chỉ có những đứa trẻ ở bậc tiểu học, mà cả những học sinh đã bước vào tuổi trưởng thành cũng vẫn chịu đủ áp lực nặng nề với các kỳ thi. Và khi áp lực quá lớn ngoài lao đầu vào học, các thí sinh và người nhà thí sinh còn tìm đến sự may rủi trong tín ngưỡng mà không hiểu truyền thống giáo dục của ông cha. Cụ thể trước kỳ thi THPT quốc gia năm nay, do tình dịch Covid-19, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn tạm đóng cửa. Nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn đến dâng hương, dâng lễ, vái vọng từ bên ngoài để mong may mắn trước kỳ thi. Nhưng bi hài nhất việc số đông xì xụp vái lạy trước tấm bia Hạ mã (tấm bia mang tính chất biển báo giao thông xưa - xuống ngựa), chứ không phải không gian thờ cúng. Lý giải cho hành động bi hài trên, theo GS Trần Lâm Biền đó là hành động mê muội, không học nhưng thích có kết quả tốt của nhiều thí sinh ngày nay.

Bệnh thành tích - căn bệnh khó chữa

Căn bệnh thành tích trong giáo dục không chỉ tồn tại trong một vài năm trở lại đây. Từ năm 2006, ngành giáo dục đã chính thức đứng ra phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng tính đến nay đã hơn 14 năm, căn bệnh này vẫn chưa thuyên giảm bao nhiêu. Bệnh thành tích không chỉ có ở phụ huynh mà còn ở nhà trường hầu hết các trường thường tự đặt ra cho mình những chỉ tiêu vượt xa thực tế với mục đích cuối cùng là làm sao thành tích năm sau bắt buộc phải cao hơn năm trước.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hồng, đa số phụ huynh đều kỳ vọng và đặt vào con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có một khả năng nhất định và năng lực là khác nhau. Nếu cha mẹ quá bận rộn, hãy cố gắng duy trì mối quan hệ với giáo viên chủ nhiệm để cùng xác định đúng năng lực của con trước khi đưa ra yêu cầu muốn con thực hiện. Và luôn nhớ, luôn chia sẻ, động viên và hỏi ý kiến để con có cảm giác được tôn trọng, để cho con nhận thức đúng đắn rằng việc học là của mình, dành cho mình và do mình quyết định. Trên con đường học tập đó, việc đặt mục tiêu là cần thiết nhưng song hành với đó là tình yêu thương, bao dung, sự sẻ chia và đồng hành của cha mẹ. “Niềm hạnh phúc của cha mẹ bên con cái ngày càng quý giá; đôi lời khen chê của người khác sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá trị hay thành tích học tập của con. Bởi vậy, giảm bớt kỳ vọng, trao gửi niềm tin để con nhận được hạnh phúc trong học tập là điều cha mẹ nên làm trên con đường học hành, thi cử của con cái” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hồng đưa ra lời khuyên.

TS Khuất Thu Hồng - Viện nghiên cứu phát triển xã hội ví rằng mùa thi giống như một cuộc chạy marathon, người khỏe đến đích trước, người yếu đến đích sau. Người xưa, người nay đều nói: Không sợ nhanh hay chậm, chỉ sợ sai hướng. Biết mình để định hướng đúng cho hoài bão hy vọng của mình, trở thành người có ích trong xã hội, cho đất nước và gia đình chính là một biểu hiện của văn hóa.

Nếu như phụ huynh hay học sinh nhìn nhận được thi cử là cuộc kiểm tra năng lực, tạo điều kiện để người lao động làm việc tốt hơn chắc chắn loại bỏ được sức ép không đáng có của thi cử. Học trường chất lượng cao là điều tốt, nhưng học một trường bình thường mà ở đó các con được học tập và vui chơi theo độ tuổi, được khuyến khích phát triển các tài năng thì cũng là môi trường nên chọn. Học đại học là một điều tốt. Học nghề cho giỏi cũng là một điều hay. Vả lại, xã hội chúng ta là xã hội học tập. Rất nhiều công cụ phục vụ cho việc học, học trong nhà trường, học nơi làm việc, nơi giao tiếp. Kiến thức luôn trải rộng ở khắp nơi. Nói tóm lại, khi nói tới chuyện thi cử là nói tới vấn đề biết mình, biết người. Văn hóa thi cử cũng lấy đó làm gốc để hình thành nhận thức; thi cử là để nhìn lại mình, vượt lên chính mình, là sự phát triển.

(còn nữa)

Xin đừng “bắt con cá leo cây”

"Rất nhiều đứa trẻ chịu áp lực của bố mẹ từ thủa nhỏ. Cách thức ứng xử của bố mẹ khiến đứa trẻ thấy rằng, chúng chỉ đáng yêu, đáng tin cậy và có giá trị khi đáp ứng nhu cầu của bố mẹ và người xung quanh.

Bố mẹ nên giúp con khám phá bản thân ngay từ nhỏ và đó phải là quá trình liên tục, tiếp nối để đứa trẻ tự xác định đâu là đam mê, đâu là thế mạnh, đâu là điều mình thích và hứng thú. Việc cha mẹ định hướng cho con là cần thiết nhưng điều cần hơn, đó là phải bồi đắp để biến đam mê của mình thành đam mê của đứa trẻ và tổ chức môi trường học tập tốt cho con. Quá trình đó, nếu con đam mê với định hướng được vạch sẵn, đó là thành công của bố mẹ; nhưng ngược lại, nếu nhận ra con không thích hợp, không hứng thú với ý muốn của mình thì bố mẹ nên dừng lại để nhìn nhận nghiêm túc và có hướng đi khác phù hợp với sở trường, ý muốn của con. Bố mẹ tạo môi trường, giáo dục định hướng và tập trung đi theo nhịp của đứa trẻ.

Nếu đứa trẻ học nhanh thì đi nhanh theo; nếu đứa trẻ học chậm thì chậm lại để lắng nghe. Không thể đòi hỏi con môn nào cũng phải xuất sắc hoặc đứa trẻ nào cũng phải mang bộ đồng phục mang tên “học giỏi” bởi khác nào “bắt con cá leo cây”. Luôn tôn trọng sự đa dạng trong trí thông minh của trẻ, có như vậy thì mới tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc." - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - PGS.TS Trần Thành Nam


Thi thật nhiều nhưng chưa đạt được mục tiêu về phát triển con người toàn diện

"Học thật, thi thật để có nhân tài thật” là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đặt cho Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc ngày 6/5/2021. Ngành giáo dục đang bị cuốn vào vòng xoáy thành tích giả tạo, đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới học không thật, thi không thật. Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do chúng ta đang xác định sai về mục tiêu học tập, chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn và chưa thay đổi về quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Chính sách giáo dục cũng đang chạy theo cuộc đua nhu cầu, mong muốn của người dân, chú trọng đầu tư, phát triển trường chuyên. Điều đáng nói là, chính ở các trường chuyên, chương trình học tập bị cắt xén, học sinh chỉ tập trung vào môn chuyên đã chọn để thi học sinh giỏi quốc gia. Như vậy là giáo dục đã không vì mục tiêu phát triển con người toàn diện. Nên có những học sinh học giỏi, đỗ đạt đủ các kỳ thi nhưng lại thiếu hẳn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp…"- Nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - TS Nguyễn Tùng Lâm


Cuối kỳ thi của con tôi nhận ra mình đã sai

Tôi cho con ôn thi ở những thầy tốt, không tiếc tiền, chẳng tiếc công đưa đón. Vậy mà khi con thi một số trường chất lượng nhóm giữa vẫn không thể đỗ. Tôi chìm vào nỗi buồn; con tôi khi biết kết quả thì không thể cười như trước. Tôi thấy con cứ len lén nhìn tôi mà không dám nói điều gì. Con bé mới vừa 11 tuổi, có lẽ tôi đã nuôi kỳ vọng quá lớn. Tôi xin cho con học mà không hỏi ý kiến con; tôi mua hồ sơ thi cho con lúc nào con cũng không hay biết. Và con học đến đâu, thì tôi lại mù tịt; không kiểm tra, không hỏi han. Tôi chỉ quan tâm đến điểm số và kết quả thi của con. Vì mong con được vào môi trường học tốt theo ý mẹ, tôi đã làm hại con bé! Lên cấp 2, tôi sẽ thay đổi theo hướng khác…

Đỗ Hoài Anh (Hà Đông, Hà Nội)

Linh Anh - Điệp Quyên (ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần