Giằng co văn hóa thi cử xưa và nay

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa nay ở đâu cũng vậy, có học là có thi. Sự học và sự thi là câu chuyện của cả một nên giáo dục quốc gia nhưng cũng kế thừa nét văn hóa riêng biệt. Ở nước ta, nền khoa cử ra đời tương đối sớm nhưng cũng không thật hoàn hảo. Ngày nay, thi cử tiến bộ và khoa học hơn rất nhiều nhưng vẫn thấy ảnh hưởng lạc hậu xưa còn rơi rớt. Chính vì vậy, giữ hay bỏ gì nét văn hóa thi cử xưa vẫn là câu chuyện đáng để các chuyên gia bàn cãi và tranh luận.

Bài 1: Sự học và thi thời phong kiến
Lịch sử khoa cử Việt Nam đã có nhiều người nghiên cứu. Trong thời hiện đại, nhà giáo - nhà báo Phan Kế Bính là người tiên phong trong việc tìm hiểu này. Cụ là người chứng kiến những khoa thi cuối cùng của thời kỳ phong kiến và đã trình bày một cách khái quát tình hình thi cử trong tác phẩm Việt Nam phong tục hoàn thành năm 1914, đầu thế kỷ XX. Chúng tôi sử dụng tài liệu đáng tin cậy này cho bài viết của mình.

Lịch sử thi cử qua từng triều đại

Chế độ thi cử của nước ta bắt đầu từ thời Lý. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: Năm 1075 (đời vua Lý Nhân Tông) mới bắt đầu mở khoa thi Nho học tam trường, kén lấy người minh kinh bác học; sau lại mở ra khoa văn học...; thời Lý Anh Tông (1138 - 1175), mở khoa thi Thái học sinh, hỏi việc chính trị, ai đỗ thì dùng làm quan. Có thể nói, nhà Lý mở đầu cho việc đào tạo nhân tài có hệ thống và thi cử có quy củ. Sang đời Trần, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tư đời vua Trần Thái Tông (1232), thi Thái học sinh mới chia làm ba hạng, gọi là nhất giáp, nhị giáp, tam giáp; năm thứ 16 (1244) lại định ra lệ nhất giáp chia làm ba bậc, cao nhất là Trạng nguyên, thứ hai là Bảng nhãn, thứ ba là Thám hoa. Lại chia ra Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên phân biệt vùng kinh kỳ (Kinh) và vùng Hoan Diễn (Trại).
 Khoa thi tại Nam Định, 1897. Ảnh tư liệu
Đến năm Hưng Long thứ mười hai đời vua Trần Anh Tông (1311) đổi phép thi lại mà chia làm 4 kỳ: Kỳ thứ nhất Ám tả, kỳ thứ nhì thi Kinh nghĩa Thi Phú, kỳ thứ ba Chiếu biểu, kỳ thứ tư thi Văn sách. Năm Long Khánh thứ hai đời vua Trần Duệ Tông (1370) đổi tên Thái học sinh thành Tiến sĩ. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp thì gọi là Tiến sĩ cập đệ, còn dưới nữa thì gọi là Tiến sĩ đồng cập đệ. Lại mở ra khoa thi Hương, ai đỗ thì gọi là Cử nhân. Đỗ Cử nhân mới được đi thi Hội.

Sang nhà Lê, năm Thiệu Bình thứ sáu đời vua Lê Thái Tông (1438) đổi lại phép thi, cứ ba năm thi Hương rồi thi Hội, thi Đình, ai đỗ thi Đình mới định hơn kém mà chia làm Tam giáp. Năm Quang Thuận thứ bảy đời vua Lê Thánh Tôn (1467) mới định lệ đỗ Tiến sĩ được truyền loa và được vinh quy, năm Hồng Đức thứ hai mươi bốn (1486) thì định lệ ban yến cho Tiến sĩ và ban thưởng áo mũ. Còn thi Hương thì chia ra làm hai hạng, ai đỗ hạng cao gọi là Hương cống, ai đỗ hạng thấp thì gọi là Sinh đồ.

Qua triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ sáu, định lệ cứ các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa thi Hương. Thừa Thiên, Gia Định, Nghệ An thi vào tháng Bảy. Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Thành thi về tháng Chín. Thi Hương còn gọi là Thu thí là vì thế. Năm Đồng Khánh nguyên niên thì trường Hà Nội và trường Nam Định hợp lại làm một gọi là trường Hà Nam. Câu thơ của Trần Tế Xương nói lên chuyện ấy: “Nhà nước ba năm mở một khoa /Trường Nam thi lẫn với trường Hà”.

Hành trình gian nan để vinh quy bái tổ

Sĩ tử muốn tham gia thi (ứng thí) thì phải có hồ sơ dự thi mà ngày xưa gọi là nộp quyển. Cứ đến năm thi, quan Đốc học các tỉnh phải sát hạch học trò trước, ai đỗ sát hạch mới được đi thi Hương. Gần đến tháng thi, học trò đỗ hạch và họ phải nộp quyển trước cho quan Đốc học bản hạt. Mỗi người nộp ba quyển, mỗi quyển độ hai ba chục tờ giấy thi, bìa mặt đề tên, họ, địa chỉ và phải khai họ, tên, nghề nghiệp tổ phụ tam đại nhà mình. Quan Đốc học thu quyển đóng hòm tử tế rồi lên danh sách để đệ lên quan trường.

Quan trường gồm một ông Chánh chủ khảo, một ông Phó chủ khảo, còn một số là Giám khảo, Đề điệu, Phân khảo, Giám sát, Phúc khảo, Sơ khảo thì tùy tình hình tại chỗ mà số người nhiều ít bất định. Công việc được phân công là: Chánh, Phó chủ khảo giữ quyền ra đề bài, chấm quyển lần sau cùng và ấn định ai đỗ, ai trượt. Phân khảo có quyền xét lại những quyển hỏng và đề xuất. Giám, Sơ, Phúc khảo thì chấm ba lần trước. Như vậy, mỗi bài phải qua đến 5 lần đọc, đánh giá, chấm hạng. Đề điệu, Giám sát thì coi việc giữ quyển và kiểm soát sự gian phi của học trò và cả quan trường. Lại có một số người gọi là lễ sinh làm các công việc như là thư ký cụm thi ngày nay: Nhận quyển, làm sổ sách, lên lịch trình, yết bảng thông báo cho quan trường và sĩ tử…

Trước hôm thi vài ngày, các quan trường kiểm tra trường thi, gọi là tiến trường và cử người trông giữ nghiêm nhặt trường thi, không ai được ra vào nữa. Hôm học trò vào trường thì chia ra bốn lối hoặc tám lối trật tự. Trước các lối đó, yết bảng họ tên thi sinh. Ai tên đâu vào lối đó. Thí sinh lều chõng vào các cửa, lỉnh kỉnh nào ống quyển, bầu nước, tráp đồ ăn thức uống lễ mễ vào thi.

Tan ba hồi trống thì các quan trường chia nhau các cửa võng lọng đi vào, ngồi ghế tréo lọng xanh chĩnh chện. Mỗi cửa đốt hai cây đình liệu sáng rực. Quan trường xướng danh và giao giấy thi cho từng thí sinh. Công việc diễn ra nửa đêm về sáng.

Thí sinh vào đóng lều theo vị trí đã định thì trời sáng, cũng là lúc có đầu bài. Học trò nghiêm túc làm bài, đến trưa thì đem quyển vào nhà thập đạo lấy dấu chứng thực hôm đó.

Đề Kinh nghĩa (kỳ nhất) có 7 bài, làm tối thiểu một bài Kinh và một bài Truyện, còn thì tùy sức mà làm thêm. Đề Thi Phú (kỳ nhị) thì một bài thơ thất ngôn luật đường và một bài phú khoảng 6 vần. Đề Văn sách (kỳ tam) làm một bài. Nhưng ai đậu kỳ nhất mới được vào thi kỳ nhị, đậu kỳ nhị mới được vào thi kỳ tam. Nếu qua ba kỳ trót lọt, ai kết quả tốt hoặc trung bình thì mới vào dự kỳ Phúc hạch. Người được vào Phúc hạch phải nộp thêm một quyển để hôm sau vào trường. Kỳ nay thi tiếp Kinh nghĩa và Phú. Quan trường soát cả bốn kỳ mới lấy đỗ theo thứ bậc. Thi tốt vào hạng cử nhân, thi bình thường vào hạng tú tài. Những người đậu gọi là Tân khoa, được xướng danh, ban áo mũ, lọng xanh; được vào điện Kính thiên lạy vọng nhà vua, tham yết các quan lớn và dự yến tiệc. Đó là thi Hương.

Thi Hội triều Nguyễn, từ đời Minh Mạng định lệ cứ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là mở khoa thi vào tháng ba, nên gọi là Xuân thí. Quan trường gồm một Chánh chủ khảo, một Phó chủ khảo, hai Tri cống cử, hai Đề điệu, sáu Đồng khảo để coi việc ra đề, chẩm quyển, vài bốn Tuần sát coi việc trật tự, chấp hành quy chế, có bốn mươi thư lại co việc sổ sách, văn phòng… Người thi là những người đã đậu thi Hội như Cử nhân, Giám sinh. Giáo thụ, Huấn đạo, Tú tài, Ấm sinh tình nguyện ứng thí.

Thi hội chia làm 4 kỳ: Kỳ đệ nhất là Kinh nghĩa; kỳ đệ nhị là Chiếu, Biểu, Luận; kỳ đệ tam là Thi và Phú; kỳ đệ tứ là một bài văn sách. Trong hai kỳ nếu có một kỳ bất cập phân là hỏng. Trong bốn kỳ được tám phân trở lên là trúng cách.

Thi Hội trúng cách mới được vào thi Đình (Đình thí). Thi Đình chỉ một bài đối sách rất dài, do vua ra đề. Quan trường xét rồi dâng vua định đoạt. Quyển nào điểm cao thì lấy vào hạng Tiến sĩ, điểm bình thường lấy vào hạng Phó bảng.

Ngày xướng danh làm trang trọng ở điện Thái Hòa, ban thưởng áo mũ, dự yến vườn thượng uyển, vào quỳ sân rồng chúc tụng nhà vua. Sau đó võng lọng vinh quy bái tổ. Tiến sĩ triều Lê, Tao đàn phó nguyên súy thời vua Lê Thánh Tông viết trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

(còn nữa)

"Kỳ thi nho học đầu tiên của nước ta được tổ chức vào năm 1075 (dưới thời vua Lý Nhân Tông), kỳ thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 (thời vua Khải Định). Có tất cả 185 kỳ thi được tổ chức tuyển được 2.991 vị tiến sĩ, trong đó chọn được 46 trạng nguyên. Học vị cao nhất trong các kỳ thi dưới thời phong kiến là trạng nguyên. Tuy nhiên ở nước ta, danh hiệu này chỉ bắt đầu xuất hiện từ kỳ thi năm 1247, kết thúc năm 1736. Các kỳ thi trước và sau đó đều không lấy trạng nguyên. Thi không căn cứ vào tuổi nên có người rất trẻ đã đỗ cao như Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, có người rất già như Đoàn Tử Quang đỗ Cử nhân khi đã 82 tuổi… Phụ nữ bị cấm không được dự thi. Chính vì lý do này nên xuyên suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam chỉ có duy nhất một tiến sĩ nữ là Nguyễn Thị Duệ. Bà đã cải trang thành nam giới và đi thi đỗ vào thời nhà Mạc." - Nhà sử học Dương Trung Quốc


"Điểm chung là dù bất cứ triều đại nào, việc giáo dục và thi cử dưới thời phong kiến vẫn luôn tồn tại những quy định hết sức ngặt nghèo, bắt buộc học sinh phải vượt qua. Theo sách Đại Nam Hội điển sự lệ, triều Nguyễn quy định, thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, không được nói chuyện ồn ào, lộn xộn, phải đóng dấu “nhật trung” (dấu xác định bài thi được làm tại trường thi), cấm ngồi không đúng chỗ quy định, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, cấm nộp bài trễ hạn. Nếu vi phạm, sĩ tử sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, hình phạt đối với người vi phạm rất nghiêm khắc. Người bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông (cùm) một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào, cả thí sinh lẫn các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương có thí sinh vi phạm đều bị truy tội." - GS sử học Lê Văn Lan (Lan Ngọc ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần