Giành lại ký ức cho trẻ từ sân chơi

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hà Nội, nhiều sân chơi bị người dân chiếm dụng để phục vụ mục đích kinh doanh, trông giữ xe. Mặt khác, sân chơi mới được xây dựng không phát huy được hết công năng, kém hấp dẫn trẻ em. Trước thực trạng đó, ý tưởng cải tạo, xây dựng sân chơi phiêu lưu của một nhóm bạn trẻ, kiến trúc sư ra đời với mong muốn mang đến cho trẻ em những không gian an toàn, góp phần tạo nên ký ức tuổi thơ tốt đẹp cho các em nhỏ.

 Trẻ em vui đùa bên những đồ chơi được TPG thiết kế từ những đồ dùng tái chế. Ảnh: TPG.
Đa số sân chơi dành cho người cao tuổi
Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo, xây dựng nhiều sân chơi tại các công viên, khu tập thể, chung cư cũ. Nhờ đó, nhiều sân chơi vốn nhếch nhác, bị bỏ rơi đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Không còn tình trạng tập kết rác thải, đỗ xe lấn chiếm sân chơi, văn hóa ứng xử nơi công cộng có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, người dân đã tìm tòi, sáng tạo ra những mô hình chỉnh trang môi trường sống như: Vẽ tranh bích họa, biến chân rác thành nơi trồng cây xanh.
Mô hình sân chơi phiêu lưu đầu tiên xuất hiện năm 1943 tại Đan Mạch và còn được gọi là “sân chơi phế liệu”. Trong giai đoạn 1950 - 1980, mô hình sân chơi phiêu lưu phát triển ở Anh, Đức, Thụy Điển và được du nhập vào Nhật Bản năm 1975. Hiện nay, có khoảng 1.000 sân chơi phiêu lưu trên thế giới, trong đó có 400 sân chơi ở Nhật. Tại Việt Nam, mô hình sân chơi phiêu lưu đầu tiên đã được thiết kế, thi công và vận hành bởi TPG và Ecopark. Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt chia sẻ, đây là sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam theo đúng ý nghĩa của khái niệm này với 3 nguyên tắc gồm: Được xây dựng bởi trẻ em, cho trẻ em và vì trẻ em; mở cửa miễn phí; có sự tham gia của cộng đồng.
Tuy nhiên, sân chơi tại các khu tập thể cũ tại Kim Liên, Trung Tự… dù mới được cải tạo nhưng vẫn kém hấp dẫn trẻ em. Theo khảo sát của phóng viên, những sân chơi này phần lớn dành cho người cao tuổi thập thể dục, số giờ chơi của trẻ em thấp. Lý giải về điều này, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - thành viên của tổ chức Think Playground (TPG, hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo vệ không gian công cộng) chia sẻ: “Việc sửa chữa, xây dựng các sân chơi hiện nay, chính quyền địa phương đa phần lấy ý kiến của các bác tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Trẻ em hầu hết không được tham gia các cuộc họp, không được bày tỏ suy nghĩ, mong muốn. Chính vì vậy, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị vui chơi chủ yếu phục vụ nhu cầu của người lớn tuổi”.
Mặt khác, ở một số trung tâm thương mại, sân chơi được thiết kế không hợp lý. Trẻ em không có điều kiện tiếp cận sân chơi một cách dễ dàng, các em thường phải đi bộ qua đường có nhiều làn xe. Theo kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh: “Hà Nội đã thiếu sân chơi, các mô hình sân chơi lại rất tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn, khó tiếp cận. Trong khi sân chơi phiêu lưu rất thu hút vì nó kích thích sự sáng tạo của trẻ em, dành chỗ cho các em tự xây dựng”.
Hình trình làm sân chơi phiêu lưu đầu tiên
Năm 2014, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, khi đó đang là phóng viên Tạp chí Ô tô Xe máy và anh Chu Kim Đức - KTS cảnh quan, nhà làm phim cùng sáng lập TPG. Ban đầu, TPG chỉ là nhóm tình nguyện viên với sự tham gia của nhiều KTS. Nhóm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cùng nghĩ về thực trạng thiếu sân chơi trong TP và tìm ra phương án tối ưu nhất để đưa sân chơi vào trong các khu trung tâm. Với Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và các thành viên TPG, việc giành lại những khu đất bị sử dụng sai mục đích để xây dựng sân chơi cho trẻ em chính là một “cuộc chiến” giành lại ký ức và bảo vệ những ký ức cho thế hệ đi sau.
Dự án đầu tiên của TPG là xây dựng sân chơi công cộng đầu tiên ở bãi giữa sông Hồng ngay lập tức gây được tiếng vang. Để sân chơi công cộng được biết đến rộng rãi hơn, TPG đã thường xuyên tổ chức các hoạt động Playday (ngày vui chơi), sân chơi di động Playstreet ở phố đi bộ Hà Nội và đặc biệt là sân chơi “công viên lốp” tại Yên Sở - được giải Ba của The Art of Recycle (nghệ thuật tái chế) do UNESCO Việt Nam trao tặng.
Theo anh Đạt, nếu tạo ra sân chơi miễn phí sẽ giúp trẻ em được bình đẳng chơi trong không gian đó, kể cả những trẻ em kém may mắn, thiệt thòi trong cuộc sống. TPG làm sân chơi handmade, làm từ gỗ mà không được phép phá rừng. Đội ngũ thiết kế tại TPG luôn hướng đến những sân chơi theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, châu Âu. Hiện nay, một trong những hướng đi của TPG là tập trung vào sân chơi phiêu lưu.
Sau hơn 3 năm hoạt động, nhóm TPG đã xây dựng nhiều sân chơi hoàn toàn miễn phí cho thiếu nhi ngay tại khuôn viên các khu tập thể, trong trường học, nhà văn hóa ở các quận của Hà Nội. Ở nhiều nơi xa xôi, khó khăn như đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng có các sân chơi ý nghĩa do nhóm TPG tạo dựng. Những sân chơi công cộng đơn giản nhưng độc đáo được sáng tạo từ những nỗ lực của nhóm TPG không chỉ mang đến cho thiếu nhi cơ hội được vui chơi thỏa thích, mà còn tạo điều kiện phát triển thể chất và tinh thần cho các em.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần