Giao dịch nhà, đất bằng ủy quyền công chứng: Nhiều rủi ro!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều công ty và văn phòng môi giới bất động sản khẳng định, có tới trên 60 phần trăm giao dịch nhà, đất tại các dự án qua Hợp đồng uỷ quyền công chứng.

KTĐT - Nhiều công ty và văn phòng môi giới bất động sản khẳng định, có tới trên 60 phần trăm giao dịch nhà, đất tại các dự án qua Hợp đồng uỷ quyền công chứng. Hình thức giao dịch này chứa đựng nhiều rủi ro.

Lạm dụng ủy quyền công chứng

Trưởng một văn phòng môi giới nhà đất trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội), dáng vẻ dầy dạn thương trường, đưa cho tôi xem một xấp bản photo các loại Hợp đồng Ủy quyền công chứng, nhằm thuyết phục khách mua một căn nhà liền kề của dự án Văn Khê (Hà Nội). Ông chủ văn phòng khẳng định. “Anh cứ yên tâm mà mua, bây giờ đều giao dịch thế này cả”.

Chị Hà Thu trú tại tập thể 23 Bà Triệu (Hà Nội) nơm nớp lo khi mua 2 căn hộ tại dự án Ucity (Văn Khê mở rộng, Hà Đông, Hà Nội) qua hình thức ủy quyền công chứng. Người bán nhà cho chị ráo hoảnh: “Tôi chỉ biết thu đủ tiền chênh còn thủ tục vào tên thế nào đó là việc của chị”. Mua căn nhà hàng tỷ đồng nhưng trước luật pháp thì chị Hà Thu chỉ là “Bên được ủy quyền”!

Với nhiều cư dân tại khu The Manor (Từ Liêm, Hà Nội), câu chuyện thủ tục mua bán căn hộ không khác gì ma trận.

Chị N.H cho biết, gia đình chị mua căn hộ trị giá tới 4 tỷ đồng đã mấy năm qua nhưng vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ). Nhiều lần, gia đình muốn bán căn hộ nhưng vướng nhất ở khâu giấy tờ nếu bán qua hình thức Hợp đồng ủy quyền công chứng thì bên mua cứ đòi giảm giá.

Việc sử dụng hình thức giao dịch qua Hợp đồng Ủy quyền công chứng đang được ví như là loại thuốc chữa bách bệnh trong lúc hành lang pháp lý về giao dịch nhà đất còn nhiều bất hợp lý.

Hình thức giao dịch này diễn ra khá phổ biến và có dấu hiệu bị lạm dụng như là một giải pháp thúc đẩy giao dịch nhanh hơn. Ngay như một số trường hợp, mặc dù nhà đất đã có sổ đỏ nhưng nhiều người vẫn muốn giao dịch qua hình thức làm Hợp đồng ủy quyền công chứng với lý do là nhanh gọn.

Bao giờ thành chủ thực sự?

Anh Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú (địa chỉ 90A Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đưa ra con số: Riêng trong tháng 9 và 10/2009, Văn phòng công chứng này đã thực hiện 246 Hợp đồng Ủy quyền công chứng, trong đó trên 70 phần trăm nội dung các hợp đồng ủy quyền liên quan đến nhà đất, bất động sản!

Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú cho biết, một vấn đề pháp lý rất đáng quan tâm trong giao dịch bất động sản hiện nay đó là tình trạng lạm dụng hình thức Hợp đồng ủy quyền công chứng đang diễn ra tràn lan.

Thực trạng này cũng cho thấy, nhiều khi người mua nhà, đất tại các dự án buộc phải áp dụng hình thức này khi họ muốn dừng đầu tư hoặc rút vốn ra khỏi dự án. 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Khoa, khẳng định: Bản chất của Hợp đồng ủy quyền là người được ủy quyền thực hiện các quyền theo nội dung được ủy quyền.

"Trong nhiều trường hợp, khi giá nhà đất tăng mạnh, người mua nhà rất có thể bị gây khó dễ, thậm chí phát sinh tranh chấp nếu cần một chữ ký của bên ủy quyền khi muốn làm sổ đỏ, sổ hồng hoặc bán lại cho người thứ ba. Tuy nhiên, pháp luật cũng không thể cấm hoặc hạn chế người dân lập các hợp đồng uỷ quyền” - luật sư Đăng Khoa phân tích.

Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú cho biết, giai đoạn Hợp đồng góp vốn vào các dự án thường kéo dài theo hướng có lợi cho chủ đầu tư. Vậy nên, cần cho phép người mua nhà, đất tại dự án được chuyển nhượng ngay cả khi chưa có sổ đỏ dưới hình thức công khai, kể cả Hợp đồng góp vốn, vay vốn, mua căn hộ... Khi đó, nhà nước thu được thuế, doanh nghiệp thu được phí mà người dân không phải lẩn tránh pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần