Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục di sản trong trường học còn nhiều thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

Làm mới bài giảng

Những kết quả tích cực trong quá trình thử nghiệm sử dụng di sản để dạy học đã khẳng định quan điểm này của các nhà quản lý giáo dục và văn hóa rất "có lý". Dự một giờ học môn Sinh học của lớp 7P, trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) cũng cảm nhận được điều đó. Trên bục giảng, một nhóm học trò đóng vai loài thân mềm (trai, mực, ốc, sên...) tự giới thiệu đặc điểm của mình. Phía dưới lớp, 4 - 5 nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 em tập trung trao đổi về vai trò và lợi ích của loài thân mềm, về các nghề thủ công liên quan đang được lưu truyền trong cộng đồng. Sau đó, mỗi nhóm cử một bạn lên trình bày theo sơ đồ tư duy, rồi thảo luận rất sôi nổi…

Kết thúc tiết học với tâm trạng phấn khởi, Nguyễn Cao Bảo Hiếu - học sinh lớp 7P chia sẻ: "Qua bài học, em hiểu được lợi ích của loài thân mềm cũng như tác hại của nó. Em thật sự rất vui khi có dịp được tìm hiểu làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Chúng em nhận thấy, mình phải có ý thức bảo vệ di sản văn hóa của đất nước mình cũng như giới thiệu đến bạn bè nước ngoài khi có cơ hội". 
 
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trình bày ý kiến, trải nghiệm làm các sản phẩm trang trí bằng vỏ trai.
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trình bày ý kiến, trải nghiệm làm các sản phẩm trang trí bằng vỏ trai.
Lại Hạnh Nguyên - học sinh lớp 7P, cũng phấn chấn cho biết, em biết được cách bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài thân mềm và được trải nghiệm nhiều điều thú vị như ghép các vỏ con trai thành đồ chơi, đồ trang trí, làm hộp gỗ đựng đồ trang sức có gắn khảm trai… và lần đầu tiên được biết đến trò chơi dân gian rải ranh và chơi cờ gánh. Nhiều giáo viên tham gia dự án dạy lồng ghép di sản văn hóa phi vật thể vào bài học đều cảm thấy thích thú vì được làm mới bài giảng. Các bài giảng khô cứng trở nên sinh động và dễ hiểu hơn đối với học sinh. Giáo viên trở thành người hướng dẫn, điều phối hoạt động học và học sinh trở thành người chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động. Nhiều em từ chỗ rụt rè đã trở nên tự tin trong giao tiếp, trao đổi và trình bày ý kiến với bạn học, thầy cô giáo. Kết quả các em thu được không chỉ là kiến thức mà còn là nhận thức về các giá trị di sản và tổng hòa các kỹ năng, trong đó có nhiều kỹ năng sống. 

 
Đầu năm 2013, liên Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL đã có văn bản hướng dẫn về việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học, được thực hiện thí điểm tại 7 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam với 3 môn Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc. Bộ GD&ĐT đã áp dụng thí điểm mỗi sở GD&ĐT chọn 2 trường THCS, 2 trường THPT đưa vào giảng dạy lồng ghép ở các môn học đã được thống nhất trong học kỳ 2. Trong thời gian này, Bộ đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kiểm tra, khảo sát và dự một số tiết học môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc.
Gian nan đưa di sản vào lớp học

Hiệu quả của việc đưa di sản vào trường học đã thấy rõ, nhưng để có một bài học trong vòng 45 phút, giáo viên phải rất kỳ công chuẩn bị, không chỉ thời gian mà còn là kinh nghiệm giảng dạy tích lũy trong nhiều năm. Việc này vô tình trở thành gánh nặng cho người trực tiếp giảng dạy và nhà trường. Rồi việc chế tác, duy trì và đảm bảo chất lượng học liệu là các hiện vật văn hóa sử dụng trong mỗi tiết học cũng đòi hỏi có sự đầu tư về thời gian và nguồn lực của nhà trường, cơ quan văn hóa và cộng đồng. Nói về mô hình đưa di sản văn hóa phi vật thể vào trường học, bà Nguyễn Hoàng Quyên - giáo viên dạy Sinh học, trường THCS Lê Quý Đôn, chia sẻ: "Vì có nội dung mới vào bài, nên thời gian quy định tiết học không theo đúng chuẩn như trước. Đưa di sản văn hóa vào bài học, không đơn giản chỉ là ghép mà phải có sự lựa chọn phù hợp và tự nhiên nhất. Giáo viên phải tìm hiểu thông tin trên các trang mạng, đồng nghiệp, mọi người xung quanh". Lựa chọn di sản gì vào bài học nào cũng là trăn trở của nhiều người, bởi chưa có tài liệu hướng dẫn chính thống, mà hoàn toàn dựa trên những gợi ý chung chung. Hiện nay, việc triển khai được thực hiện trên cơ sở thảo luận nhóm của tổ giáo viên bộ môn. 

Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục di sản trong trường học, bà Urazali Tashmatov - Giám đốc Viện Nghệ thuật và Văn hóa Quốc gia, Bộ VH&TT Uzbekistan cho biết: "Chúng tôi lựa chọn các trường và tìm hiểu từng lớp học có thể thực hiện lồng nội dung giáo dục di sản văn hóa phi vật thể. Đầu tiên, chúng tôi muốn các giáo viên quen với diễn tiến của văn hóa phi vật thể và sau đó triển khai ở một số trường khác nhau, đưa ra các bối cảnh để học sinh học được di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả cho thấy, có trường quan tâm đến trò chơi dân gian, có trường lại thích ứng với bài hát dân ca. Để chuẩn bị cho học sinh học tốt, chúng tôi có sách hướng dẫn cho giáo viên, học sinh và có chương trình đặc biệt huấn luyện giáo viên để họ giảng bài thật hấp dẫn. Bài học không chỉ là lời giảng, lời kể, mà học sinh thích được thực hành, được chơi trên sân trực tiếp". Và điều vô cùng quan trọng mà rất nhiều nhà làm văn hóa, giáo dục khẳng định, muốn thu hút giáo viên và học sinh phải đưa vào những trò chơi dân gian ở chính nơi các em đang sinh sống. Mỗi địa phương có ca từ riêng, giáo viên âm nhạc cần có cách hát chung thủy với ca từ của bài hát ấy. Sau khi các em hát với ca từ và giai điệu truyền thống đó, các em dễ dàng hát theo nhạc. Cách làm ấy có thể mang tới kỳ vọng học sinh học tốt những bài dân ca.  

Để di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát triển bền vững, nhiều chuyên gia văn hóa và giáo dục đồng tình với quan điểm của bà Sajida Vandal - Giám đốc Tổ chức THAAP (Pakistan), cần thiết nhấn mạnh đến yếu tố địa phương và bản địa hóa ngôn ngữ. Ai cũng sẽ cảm thấy thú vị khi chứng kiến một cậu bé được nghe làn điệu dân ca của địa phương mình, cất tiếng hát để rồi cả lớp cùng hòa nhịp theo. Và những nghệ nhân của nơi có di sản văn hóa phi vật thể cùng tham gia vào giảng dạy thì đó là nhân chứng sống động giúp cho việc tiếp thu, bảo tồn di sản một cách bền vững nhất.

 
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: Bảo tàng tạo sự kết nối

Giáo dục di sản là động lực hết sức quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng sống, trong đó bao gồm sự thích nghi, sáng tạo, đổi mới, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng - một yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Bảo tàng đóng vai trò cơ bản cho việc tạo ra sự kết nối này. Chúng ta cần phải tăng cường các bảo tàng để họ phát triển các phương tiện truyền thông tương tác với học sinh, sinh viên và những cách kể chuyện thú vị, hấp dẫn.

 

TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa: Tích hợp nhuần nhuyễn giá trị di sản vào bài học

Các di sản có thể tích hợp nhuần nhuyễn trong dạy học nhằm đạt được 2 mục tiêu về chuẩn kiến thức bài học, vừa đạt được thông tin về di sản văn hóa phi vật thể. Mọi người băn khoăn các di sản như ca trù, hát xoan… được UNESCO công nhận khi đưa vào trường học, liệu có khiến cho học sinh bị mệt? Đây không phải là học di sản mà sử dụng di sản để dạy học. Thông qua việc vận dụng các giá trị di sản để dạy học một cách linh hoạt, thú vị và tích hợp nhuần nhuyễn những giá trị di sản ấy vào bài học.

Vận dụng như thế nào? Trước hết phải nhận dạng được giá trị di sản để tìm những nội dung phù hợp tích hợp vào bài giảng. Mặt khác xác định chuẩn về mặt giáo dục, cụ thể là bài học ấy cần đòi hỏi điều gì và khả năng tích hợp đến đâu. Một khuyến nghị là hãy chọn những di sản ở quanh chúng ta, cộng đồng ở đâu thì chúng ta lấy di sản ở đó, trường học ở đâu thì chúng ta sử dụng di sản ở cộng đồng đó. Nếu chúng ta lấy di sản quá xa thì trở nên xa lạ với các em, quá hoành tráng sẽ làm nặng thêm bài học. Chúng ta hãy tìm những gì gần gũi và bình dị để tích hợp vào bài giảng, có như vậy giáo viên mới dễ sử dụng và các em nhớ một cách thiết thực về văn hóa của chính mình.

 

Bà Mạc Thị Phượng Bích - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Chúng ta không thể thực hiện ồ ạt, mà phải từ từ và lựa chọn di sản đưa vào bài học mang tính bền vững chứ không chạy theo "hội chứng". Bây giờ phân bố chương trình mở, nên việc dạy và học với di sản rất phù hợp khi bố trí trong các giờ ngoại khóa, những tiết học trang bị kiến thức địa phương. Vấn đề là làm sao sử dụng phù hợp và hiệu quả, thời lượng dạy như thế nào cũng là vấn đề để giáo viên suy ngẫm. Nếu có sự chỉ đạo sâu sắc từ cấp sở, phòng và các cấp quản lý giáo dục, đưa di sản văn hóa dân tộc vào trường học chắc chắn thu được hiệu quả trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

 

Bà Nguyễn Thị Mai Lan - Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn: Giáo viên phải đổi mới trong nhận thức

Dự án sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông trong 2 năm (2013 và 2014) đã kết thúc, nhưng không có nghĩa dừng lại. Cái gì thấy hợp lý, chúng tôi sẽ duy trì, bởi phương pháp dạy học bằng cách lồng ghép các di sản phi vật thể vào một số nội dung của bài học và môn học chính là sự đổi mới trong phương pháp dạy học. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, trước hết, giáo viên phải có sự đổi mới trong nhận thức, tiếp đến phải hiểu các khái niệm, nhận biết được di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào bài học cho đúng. Việc chỉ đạo của Ban Giám hiệu rất quan trọng để giúp giáo viên hăng hái tham gia, nhất là khi họ rất vất vả để chuẩn bị một bài dạy. Để đưa di sản vào bài học, không chỉ có đồ dùng trong nhà trường, các thầy cô phải có sự liên hệ, bố trí thời gian đi tìm hiểu thực tế, chụp hình, quay video… mới hấp dẫn được các em. Cộng thêm kinh phí của nhà trường hỗ trợ cho việc này không nhiều. Đó cũng là khó khăn và hạn chế khi giáo viên tham gia giảng dạy kết hợp di sản văn hóa phi vật thể vào bài học.