Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho hay, gia đình không chỉ cần có kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ mà còn cần có kiến thức pháp luật cơ bản để xử trí khi gặp phải việc con mình bị xâm hại.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm có khoảng 2.000 vụ xâm hại trẻ em được ghi nhận. Trong đó, 20% trong số nạn nhân bị xâm hại là trẻ em nam. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, bất cứ trẻ em trai hai gái đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục như nhau. Đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi nhiều vụ việc vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Theo thống kê, 80% số vụ xâm hại tình dục trẻ em do người thân, quen, thậm chí chính ông bà, bố, chú, thầy giáo... gây ra.
Nhiều người cho rằng trẻ em nam rất ít nguy cơ, nhưng thực tế nguy cơ luôn hiện hữu, ngày càng nhiều trẻ em nam có nguy cơ bị xâm hại. Ngay trong gia đình hoặc trong nhà trường khi gặp phải những người biến thái, có bệnh lý hoặc có biểu hiện suy đồi đạo đức, trẻ em nam hay nữ đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Vậy, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội như thế nào trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ để phòng tránh xâm hại tình dục, thưa ông?
- Cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ thuộc mọi giới tính để các con có kiến thức hiểu biết phòng tránh xâm hại tình dục. Vai trò của nhà trường, cộng đồng trong việc truyền thông cũng đặc biệt quan trọng, bởi vì khi vị thế gia đình bị phá vỡ, ngay trong chính gia đình có người xâm hại thì việc truyền thông, giám sát phát hiện các vụ xâm hại tình dục với trẻ em ở nhà trường, cộng đồng là rất quan trọng.
Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn tới tinh thần. Phần lớn trẻ em bị xâm hại thường bị tổn thương nặng nề tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai. Đồng thời, trẻ bị mặc cảm không có sự phát triển bình thường, gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng. Trẻ em trai hay gái, có nhận thức hay chưa đủ nhận thức đều có thể là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.
Ngoài ra, gia đình không chỉ cần có kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ mà còn cần có kiến thức pháp luật cơ bản để xử trí khi gặp phải các vụ việc con mình bị xâm hại.
Theo ông, cần phải làm gì khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục?
- Khá nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục đáng tiếc đã xảy ra và phải mất rất nhiều năm, vụ việc mới được tố cáo, phơi bày ra ánh sáng, nhưng lúc này hiệu lực xử lý các vụ án đã hết, hoặc không thể thu nhập được chứng cứ.
Ngay khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà, cộng đồng phát hiện cần tố cáo ngay với cơ quan công an. Nếu là xâm hại tình dục, cần giữ nguyên hiện trường gọi điện tố cáo với cơ quan chức năng thực hiện giám định, thu lại chứng cứ.
Với những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị dâm ô thời gian dài, quá lâu, các nạn nhân vẫn có thể tố cáo. Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của các viện khoa học hình sự, cơ quan y tế... việc tìm ra dấu vết sẽ dễ dàng hơn. Thêm vào đó, kinh nghiệm, kỹ năng của các điều tra viên cũng tăng lên, việc phát hiện ra chứng cứ tội phạm sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải điều tra viên nào cũng có kinh nghiệm, kỹ năng để điều tra làm rõ hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Điều tra viên cần làm rõ xem nạn nhân bị xâm hại tình dục ở mức nào.
Bên cạnh đó, khi con rơi vào tình trạng khẩn cấp, cha mẹ nên giữ ngay hiện trạng, thực hiện lưu trữ ngay chứng cứ liên quan. Có thể chụp ảnh, quay video những dấu vết. Tiếp đó giữ nguyên hiện trường, hoặc cho con đi thăm khám, giám định tại bệnh viện có chứng nhận của bác sĩ. Đồng thời chia sẻ, động viên các con, để các con khai ra các hành vi phạm tội. Đó là những chứng cứ khoa học khách quan để sau này tố giác tội phạm.
Với những tội liên quan tới xâm hại tình dục, ai có thể đứng ra tố giác tội phạm, thưa ông?
- Với những tội liên quan tới xâm hại tình dục, không cần nạn nhân tố cáo. Bất kỳ ai phát hiện đều có quyền tố cáo, tố giác tội phạm và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra xác minh, giám định.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của cha mẹ, người thân trong việc thực hiện quyền trẻ em. Cùng đó, cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, trường học trong việc phòng tránh xâm hại tình dục. Sau đó mới đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để trẻ em không bị rơi vào hoàn cảnh dễ bị xâm hại, khi bị rơi vào hoàn cảnh đó rồi thì có cách xử trí giảm hại.
Xin cảm ơn ông!