Giảng viên Đinh Thị Mùi -trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đạt giải Nhất Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2018 đang trình diễn bài giảng tích hợp. |
Người thầy phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thứcNhận xét về Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, với sự sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo đã xây dựng thành công nhiều bài giảng có chất lượng cao. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của toàn ngành GDNN trong công tác cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với đòi hỏi đổi mới trong phát triển GDNN. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến nhiều khía cạnh của quá trình phát triển GD&ĐT nói chung và GDNN nói riêng. Mặc dù, chúng ta chịu sự tác động cũng như ảnh hưởng mạnh của làn sóng 4.0 nhưng vai trò của người thầy trong quá trình dạy học vẫn luôn có giá trị. Và, ở thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực của người học, dẫn dắt và định hướng nghề nghiệp cũng như kết nối người học và DN.Trao đổi về chủ đề này, bà Tăng Thị Cảnh Dung – Giảng viên Khoa Du lịch, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Đà Lạt bộc bạch: Người thầy bây giờ không giống như trước là truyền thụ kiến thức, chỉ dạy một nghề mà phải đa ngành. Người thầy không chỉ dạy lý thuyết trong giáo trình mà phải cập nhật những kiến thức thực tiễn. Không chỉ đào tạo nghề, người thầy còn phải trang bị cho người học những kỹ năng mềm thông qua từng buổi học để họ rèn luyện, ra trường dễ hòa nhập cuộc sống. Thực tế hiện nay, không phải lúc nào người thầy cũng hiểu biết hơn học trò. Vì thế, bà Phạm Thị Lan – Giảng viên khoa Quản trị du lịch khách sạn, trường CĐ Du lịch Hải Phòng nêu quan điểm: “Trên con đường sự nghiệp của mình, người giáo viên phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mới. Đặc biệt, thời kỳ CMCN 4.0, người thầy phải nâng cao tinh thần học tập, nhận thức và cùng đồng hành cùng thời đại. Bởi, nếu không cố gắng, nỗ lực sẽ bị tụt lùi lại phía sau”...Thay đổi phương pháp, mở rộng dạy nghề 4.0Cuộc CMCN 4.0 đã buộc các trường nghề phải thay đổi phương pháp đào tạo cũng như mở những ngành nghề phù hợp. Trong 6 ngày diễn ra Hội giảng, Ban Giám khảo, lãnh đạo các nhà trường và thầy cô giáo đã chứng kiến nhiều bài giảng được kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các hình thức mới, hiện đại. Từ đó tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Đơn cử, ông Trần Tuấn Anh – trường CĐN Công nghiệp Hà Nội với nghề Công nghệ ô tô; bà Bùi Thị Hiền – giảng viên trường CĐ Y tế Bắc Ninh với nghề Điều dưỡng. Nhiều bài giảng đã thành công trong áp dụng công nghệ mới và ứng dụng thành thạo, hiệu quả CNTT, các phần mềm mô phỏng… để nâng cao hiệu quả giờ giảng và sức hấp dẫn đối với người học. Chia sẻ về quan điểm đào tạo nghề thời kỳ 4.0, Hiệu trưởng một trường CĐN cho hay: Bây giờ chúng ta phải thay đổi đào tạo theo hướng những gì mà thực tiễn các DN đòi hỏi, chứ không phải chỉ dạy những gì mình có. Phương pháp giảng dạy phải khơi dậy cho người học có sự đam mê, tự tìm tòi cái mới. Và, trong quá trình học tập, người học sẽ sáng tạo. Và, từ sáng tạo của học trò, người thầy tích lũy lại để phát triển bài giảng của mình, có thể áp dụng cho các khóa học sau.Chứng kiến bài thi của nhà giáo trong Hội giảng, nhiều lãnh đạo trường cho biết, tới đây sẽ thay đổi ngành nghề đào tạo của trường cho phù hợp thực tế hiện nay. “Hội giảng là cơ hội để nhà trường khảo sát và suy nghĩ xem có thể mở rộng, thay đổi ngành nghề đào tạo từ công nghiệp sang các lĩnh vực mới mà xã hội đang cần. Có những nghề mà chúng tôi chưa từng tiếp cận như Hộ lý – điều dưỡng, Hướng dẫn viên, Làm đẹp… hiện nay xã hội đang cần nhiều nhân lực có thể sẽ là hướng đi của trường trong thời gian tới…” – ông Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp Nghề Hà Nội cho hay. Còn đối với lĩnh vực du lịch – dịch vụ, từ trước đến nay và trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Vì thế, trường CĐ Du lịch Hải Phòng tiếp tục duy trì những ngành nghề như Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn... “Tuy nhiên, với sự phát triển về chiều sâu của lĩnh vực du lịch trong ngành dịch vụ, chúng tôi nghĩ tới hướng mở thêm các ngành nghề mới, ví dụ: Quản trị du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), Quản trị các khu resort vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tận dụng cuộc CMCN 4.0 để đưa các phần mềm vào hoạt động dạy nghề giúp cho người học hứng thú và chất lượng đào tạo được nâng lên” - bà Nguyễn Thị Hải Hòa – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hải Phòng nhấn mạnh.