Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục ngoại thành tạo nhiều dấu ấn tích cực

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-15 năm mở rộng địa giới hành chính, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có nhiều điểm nhấn, thể hiện rõ sự đổi thay tích cực, đặc biệt là trong việc kéo gần khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn.

Cô và trò trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì trong giờ học. Ảnh Phạm Hùng
Cô và trò trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì trong giờ học. Ảnh Phạm Hùng

Nhiều điểm nhấn

Nhiều năm trở lại đây, trong bảng xếp hạng thi đua, vinh danh thành tích xuất sắc của ngành GD&ĐT Thủ đô luôn có sự hiện diện của các huyện ngoại thành, trường ngoại thành và học sinh ngoại thành, trong đó có những khu vực xa trung tâm.

 

15 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô,
quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD&ĐT được mở rộng và không ngừng phát triển. So với cùng kỳ năm 2008, Hà Nội đã tăng: 537 trường mầm non và phổ thông; 25.995 nhóm lớp; 834.159
học sinh; 50.154 giáo viên và 28.252 phòng học.

Mới đây, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội đón nhận niềm vui khi tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn TP năm nay đạt 99,56%. Với kết quả này, Hà Nội đứng thứ 17 toàn quốc về tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tăng 10 bậc so với năm ngoái. Đáng lưu ý, nhiều trường THPT có điểm đầu vào thấp nhất TP, tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp luôn là nỗi ám ảnh thì năm nay đã có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Chia sẻ niềm phấn khởi, Hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng (đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, huyện Ứng Hòa) Hoàng Chí Sỹ cho biết: “Có được thành tích trên là bởi sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Sở GD&ĐT, là hành trình vượt khó mang tinh thần quyết tâm cao của thầy và trò. Đây là tín hiệu vui, tạo đà bứt phá cho trường ở các năm học tiếp theo”.

Dư luận cả nước vẫn chưa hết trầm trồ, thán phục trước Thủ khoa toàn quốc kiêm Thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội (theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT) năm 2022 với 3 điểm 10 tổ hợp A00, nhất là khi em đến từ một trường ngoại thành Hà Nội. Em là Nguyễn Ngọc Lễ, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Theo nhà giáo Nguyễn Phương Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 trường THPT Quốc Oai thì lớp do cô chủ nhiệm nhiều năm liền gặt hái những thành tích xuất sắc, ngoài Thủ khoa Nguyễn Ngọc Lễ còn có 2 học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đạt giải Ba ở môn Vật lý; nhiều học sinh dự thi học sinh giỏi TP các môn Toán, Lý, Hóa giành giải cao (trong đó có 1 giải Nhất môn Toán với số điểm 19,5/20).

Ngoài ra, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm trung bình môn Toán của lớp 12A6 đạt 8,73 điểm - một trong những lớp học có điểm trung bình Toán cao của Hà Nội.

Góp mặt trong tốp 10 trường có điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT cao nhất Hà Nội nhiều năm trở lại đây đều có sự xuất hiện dày đặc của các trường thuộc khu vực ngoại thành. Năm 2023, trong tốp trường đạt điểm trung bình môn Toán cao nhất có THPT Liên Hà (Đông Anh); tốp trung bình điểm Văn cao nhất có Trường THPT Đa Phúc và THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); tốp trung bình điểm Vật lý cao nhất có 6 trường ngoại thành là: THPT Quốc Oai, THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai), THPT Sóc Sơn, THPT Xuân Giang (Sóc Sơn), THPT Bắc Thăng Long, THPT Ứng Hòa A… Đặc biệt, trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn) còn lọt tốp 10 trường có điểm Địa lý, Hóa học cao nhất.

Theo các thầy cô, bí quyết để các trường ngoại thành - nơi có điểm đầu vào thấp và thường được coi là “vùng trũng” trong giáo dục nhưng điểm đầu ra lại vươn lên tốp đầu, trước hết là tâm huyết của cán bộ quản lý và thầy cô giáo trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học ngay trừ đầu năm học. Đó còn là việc tạo lập mối quan hệ bền chặt, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò. Khi thầy mẫu mực, nhiệt huyết sẽ gây dựng được niềm tin cho học trò, khích lệ học trò luôn cố gắng chinh phục các mục tiêu tri thức ở tương lai.

Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm 2022, ngoài đại đa số học sinh của các trường THPT chuyên thì có hai học sinh ngoại thành, trong đó có một em học trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) và một em học trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín). Và trong 12 điểm 10 môn Toán tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của toàn quốc, trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) vinh dự và tự hào khi có một học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối. Đây là niềm vui không nhỏ của học sinh, thầy cô và nhà trường.

Sáng kiến đẩy mạnh chất lượng

Đưa chất lượng giáo dục ngoại thành đến gần hơn với giáo dục nội thành là một trong những nội dung được ngành GD&ĐT Hà Nội rất quan tâm và đã cụ thể hóa bằng nhiều sáng kiến, giải pháp, trong đó có phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.

Phong trào do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động tháng 12/2022 trong toàn ngành nhằm vận động các nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi, có nhiều ưu thế hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các trường, nhà giáo và học sinh ở địa bàn còn khó khăn hoặc ở nơi chất lượng giáo dục còn hạn chế.

Tích cực đẩy mạnh, triển khai phong trào, các đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị làm việc, ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình kết nghĩa. Phong trào mang đến hiệu quả thiết thực khi đi sâu vào các nội dung cần chia sẻ, phù hợp với các nhà trường; đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của mỗi đơn vị để tập trung giúp đỡ cùng nhau phát triển; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, nhất là công tác chuyển đổi số, công tác cán bộ, nâng chuẩn đào tạo; đa dạng hóa các hoạt động trong dạy học giúp học sinh tiếp cận được nhiều thông tin và khai thác các nguồn tài liệu mở phục vụ cho việc học đạt kết quả cao nhất.

Chia sẻ về kế hoạch giao lưu, kết nghĩa của ngành GD&ĐT Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kỳ vọng, với sự chuẩn bị bài bản, thống nhất, kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang được triển khai đồng bộ ở toàn TP và phát triển thành phong trào sâu rộng, có đánh giá, sơ kết, tổng kết. Qua đó góp phần giúp giáo dục Hà Nội, trong đó có giáo dục ngoại thành thêm cơ hội tốt để phát triển thực chất, toàn diện hơn trong thời gian tới.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ về cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, năng khiếu. Hà Nội liên tiếp khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 1.978 giải quốc gia, 168 giải quốc tế, 196 giải về Khoa học kỹ thuật.

Giai đoạn 2008 - 2023, toàn TP đã công nhận mới tăng thêm 1.214 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đến ngày 15/7/2023, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia toàn TP là 58,8% (trong đó công lập là 72,5%), 23 trường được công nhận chất lượng cao (trong đó có 17 trường công lập). Ngoài ra,
Hà Nội là một trong số ít địa phương trên cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.