Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục phải đi đôi với thực hành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa giao thông phải là kết quả của quá trình kiên trì từ 2 nội dung thống nhất: “Giáo dục tuân thủ luật giao thông” và “Tầm nhìn tổ chức quản lý phục vụ an toàn giao thông”.

Hiện nay, có những thói quen gây ùn tắc giao thông cố hữu mà báo chí liên tục phản ánh, nhưng vì lẽ nào vẫn tồn tại nhiều năm nay không khắc phục nổi? Phải chăng do “Tầm nhìn Tổ chức quản lý giao thông” và “Tầm nhìn tổ chức giáo dục an toàn giao thông” đều “chưa đủ độ” đạt mong muốn?

S.O.S an toàn giao thông

Theo GS.VS Hồ Sĩ Vịnh: “Văn hóa giao thông (VHGT) là một thành tố của lối sống đô thị, của văn hóa thẩm mỹ, là gương mặt của đô thị. Khi ta nói người Hà Nội thanh lịch, hiện đại thì tín hiệu đầu tiên gây ấn tượng mạnh đối với khách du lịch là VHGT”. Thế nhưng, thực trạng VHGT Thủ đô hiện nay lại đang là vấn đề nan giải, thậm chí có người đã phải dùng tín hiệu S.O.S. Các yếu kém trước mắt, ‘bề ngoài” đúng là bởi ý thức người dân tham gia giao thông kém nhưng nguyên nhân sâu xa, căn bản lại là trình độ tổ chức quản lý giao thông, an toàn giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng mong mỏi của người dân.
Tình trạng xe máy, ô tô lấn làn vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: Hải Linh
Tình trạng xe máy, ô tô lấn làn vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: Hải Linh
Ở nước Anh, điểm đặc biệt là hầu hết các đường nhánh ra đường lớn đều có thêm một làn đường nhỏ nữa đi kèm. Chẳng hạn như trên đường có 4 làn xe cùng một chiều lên Luân Đôn và 4 làn khác đi về Cambridge, nếu có một đường nhỏ từ hai bên (thường từ các trang trại) nối vào đường lớn, ngay lập tức đường lớn sẽ chuyển thành 5 làn (có thêm một làn nữa). Làn thứ 5 này chạy khoảng 500m rồi nhỏ dần và nhập vào các làn có trước. Vì vậy, người tham gia giao thông từ đường nhánh nhập vào đường lớn không làm ảnh hưởng gì đến giao thông chung. Trong khi đó, lối sang đường cho người đi mô tô và đi bộ tại Hà Nội nhiều chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể trên đường Lê Văn Lương có một đoạn khá dài từ cầu Hòa Mục đến Đường Hoàng Đạo Thúy với nhiều đường con giữa quãng như Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân nhưng lại không có nhánh rẽ vào. Do đó, muốn sang bên kia đường người dân phải đi vòng rất xa, buộc lòng nhiều người phải “lách” hoặc đi ngược chiều sang đường. Từ đó dẫn đến việc người tham gia giao thông tự xây dựng vài đường mòn đi qua giải phân cách ngăn dọc theo chiều dài trục Lê Văn Lương.

 Mật độ giao thông tăng cao, đường sá lại chật hẹp, nhưng TP lại ưu ái cho nhiều “đại công trường” xây dựng. Để phục vụ thi công, nhiều tuyến đường bị đóng lại, người dân phải lưu thông theo hướng tuyến bố trí tạm, “thắt nút cổ chai” dẫn đến ùn tắc giao thông. Trong khi đó, công tác bố trí đèn tín hiệu, phân luồng của ngành giao thông công chính đối với khu vực này lại không hợp lý làm cho tốc độ lưu thông của các phương tiện rất chậm.

Hiện đại hóa các khóa học

Suy đến cùng hầu hết thiếu sót của người tham gia giao thông hiện nay là do “Tổ chức quản lý giao thông” chưa sớm hiện đại hóa, còn trì trệ, vá víu, thiên về “phạt, bắt” mà chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu, người quy hoạch quản lý giao thông cũng như phát triển mạng giao thông công cộng. Đây là điểm yếu kém cần sớm nhận ra để tích cực sửa sai để tiến lên vững chắc. Theo ông Đặng Đức Minh - Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông - Học viện CSND, phải cấp thiết tăng tốc “hiện đại hóa, khoa học hóa” tổ chức quản lý giao thông theo hướng văn minh như thế giới. Hiện đại hóa, khoa học hóa các tuyến đường lớn, đường chính để chỉ đi theo làn khoa học, cũng như xe máy không dám luồn, lách, lao lên vỉa hè như hiện nay.

Trên cơ sở trên mà mở rộng ra nhiều tuyến đường khác thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại những đất nước này họ coi trọng tổ chức quản lý giao thông khoa học hiện đại nên mọi người tham gia giao thông đều rất nghiêm chỉnh chờ đợi, đi theo hàng rất trật tự. Đó là do kết quả giáo dục nhưng chủ yếu lại là khâu tổ chức quản lý giao thông hiện đại với thiết bị tối tân dù không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông.

Công tác giáo dục VHGT buộc phải tuân thủ quy luật và quy trình giáo dục kết hợp với tầm nhìn tổ chức quản lý thì hiệu quả mới bền vững. Không thể chỉ giới hạn “giáo dục, kêu gọi” mà nhất thiết phải có quá trình “giáo dục và tổ chức thực hành” trong nhà trường ở mọi cấp học. Thời gian liên tục và nâng dần yêu cầu thực hành để “hình thành” những thế hệ trẻ văn minh và chính họ sẽ trở thành những ông bố, bà mẹ “mẫu mực” không là “tấm gương mờ” về an toàn giao thông mà báo chí đã nêu lên.

Những nơi hay ùn tắc giao thông cục bộ hiện nay vào giờ cao điểm, truy nguyên nhân thoáng qua nhận thấy ngay ý thức người tham gia giao thông kém. Dù vậy “lõi” vấn đề lại chính là tổ chức quản lý chưa có phương tiện giám sát quản lý khoa học, để mọi người chỉ còn cách duy nhất là “xếp hàng nối đuôi nhau trong trật tự là an toàn và tốn ít thời gian nhất. Nói các khác: “Tổ chức quản lý giỏi, khoa học” tự khắc sẽ hình thành VHGT mà ai cũng bình tĩnh, kiên nhẫn, tự giác thực hiện như nếp xếp hàng mọi nơi mọi lúc.